Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn nhà dài ở buôn Akô Dhông: Cần có giải pháp phù hợp

09:21, 24/08/2019

Buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những buôn làng Tây Nguyên còn giữ được nhiều ngôi nhà dài mang nét đặc trưng trong đời sống sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số Êđê. Nhưng theo thời gian, nhiều ngôi nhà dài đang dần bị mai một, xuống cấp nghiêm trọng.

Đưa chúng tôi tham quan ngôi nhà dài bằng gỗ rộng 6 m, dài 25 m, chị H’ Phiu Kbuôr - chủ nhà cho hay, nhà dựng từ thời ông bà đến nay đã trên 50 năm. Nhìn tổng thể, ngôi nhà vẫn còn khá nguyên vẹn với những cột gỗ to tròn, bóng mịn. Nhưng vào bên trong, nhiều cây kèo đã bị mối mọt đục khoét sâu rất dễ gãy; mái nhà cũng bị mục, nhiều chỗ bị dột nước.

Chị H’ Phiu cho biết, theo truyền thống, khi đại gia đình có thêm cặp vợ chồng mới (con gái bắt chồng) sẽ nối nhà dài thêm ra phía sau. Tuy nhiên hiện nay, nguồn gỗ làm nhà khan hiếm, giá đắt nên chị phải làm thêm căn nhà xây phía sau để sinh hoạt. Trong nhà dài còn có mẹ ở và mọi sinh hoạt đều tổ chức tại nơi này. Nơi chị thích nhất trong căn nhà chính là căn bếp bên khuôn cửa sổ luôn đỏ lửa. Cứ sáng đến, chị cùng các thành viên quây quần bên bếp lửa, thưởng thức ly cà phê thơm lừng theo phong cách của đồng bào Êđê. Có khách quý đến, gia đình cũng đón tiếp tại đây và nấu những món ăn truyền thống thể hiện lòng mến khách.

Chị H’ Phiu luôn tâm niệm phải giữ cho bằng được ngôi nhà truyền thống để bản thân và con cháu sau này hiểu về văn hóa cội nguồn. Nhiều lần chị tính chuyện tu sửa lại nhà, nhưng không đủ kinh phí vì tốn kém khoảng 400 triệu đồng. Đây là số tiền lớn với một gia đình thuần nông. Chị lo lắng, nếu không trùng tu kịp thời, ngôi nhà sẽ nhanh xuống cấp, không thể sử dụng.

Bên ngoài ngôi nhà dài của gia đình chị H’ Phiu Kbuôr đã bị xuống cấp.  Ảnh: H. Gia
Bên ngoài ngôi nhà dài của gia đình chị H’ Phiu Kbuôr đã bị xuống cấp. Ảnh: H. Gia
 

“Nếu được, tôi mong chính quyền hỗ trợ hoàn toàn kinh phí hoặc tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi để sửa chữa nhà dài. Khi được làm chủ công, người dân sẽ biết cách tu sửa nhà dài phù hợp với hoàn cảnh gia đình cũng như được chủ động làm du lịch theo nhu cầu, sở trường của mình”.

 

 
Chị H’ Minh Byă bày tỏ mong muốn.

Nhà dài của gia đình chị H’Minh Byă (cùng buôn Akô Dhông) cũng trong hoàn cảnh tương tự. Ngôi nhà dựng trước năm 1975 dài 22 m, ngang 5 m, nay đã bị nghiêng sang một bên do mối mọt ăn gần hết các trụ dưới. Chị cũng làm căn nhà xây phía sau để ở, nhưng vẫn giữ thói quen sinh hoạt tại nhà dài.

Chị H’Minh tâm sự, không có gì ấm áp bằng được ở trong căn nhà truyền thống, mùa mưa ấm cúng, nắng thì mát mẻ. Mọi vật dụng như ghế Kpan, giường, ché và trống cổ... gia đình đều lưu giữ. Ngoài làm rẫy, chị H’ Minh còn làm rượu cần và chế biến ẩm thực Êđê phục vụ khách du lịch. Song do nhà chưa tu sửa chắc chắn nên mỗi khi đón khách phải tổ chức ở nhà khác.

Chị H’Minh có biết đến việc hỗ trợ kinh phí tu sửa nhà dài theo Đề án Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột giai đoạn 2018 - 2019, nhưng chưa ưng ý lắm. Vì gia đình chị còn sinh hoạt trong ngôi nhà dài nên việc tu sửa, tổ chức kinh doanh du lịch phải phù hợp với nhu cầu thực tế.

Ông Y Pun Niê Bing, Trưởng buôn Akô Dhông cho biết, hiện buôn còn 34 nhà dài truyền thống, qua nhiều năm có một số nhà xuống cấp cần trùng tu, sửa chữa. Đây là vấn đề khó khăn với người dân trong buôn bởi nguồn gỗ khan hiếm, giá vật liệu cao. Tháng 5 vừa qua, UBND phường Tân Lợi, đại diện UBND TP. Buôn Ma Thuột có cuộc họp với dân để bàn về việc tu sửa nhà dài song chưa thống nhất được phương án triển khai.

Chị H’ Minh Byă còn giữ được nhiều đồ dùng truyền thống trong ngôi  nhà dài.
Chị H’ Minh Byă còn giữ được nhiều đồ dùng truyền thống trong ngôi nhà dài.

Ông Võ Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Lợi thông tin, theo Đề án Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, buôn Akô Dhông có 2 nhà dài được đầu tư sửa chữa. Mỗi căn nhà, UBND TP. Buôn Ma Thuột sẽ đầu tư 350 triệu đồng, còn lại chủ nhà bỏ thêm, sửa xong sẽ đưa vào khai thác du lịch.

Tuy nhiên còn nhiều vấn đề cần bàn thêm như: Cách thức tu sửa, đơn vị đầu tư hay người dân làm chủ công, hình thức khai thác du lịch như thế nào, lợi nhuận phân chia ra sao... Điều mà người dân ái ngại nhất là việc khai thác du lịch sẽ khiến mọi sinh hoạt gia đình bị xáo trộn. Hiện UBND phường Tân Lợi đã ghi nhận ý kiến của người dân trong buôn sau đó tham mưu lên UBND TP. Buôn Ma Thuột tìm phương án phù hợp để Đề án sớm triển khai, đạt được mục đích bảo tồn nhà dài kết hợp khai thác phát triển du lịch.

Thanh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.