Multimedia Đọc Báo in

Làng cổ Phước Tích - biểu tượng vẻ đẹp cổ xưa của xứ Huế

07:51, 18/08/2019

Làng cổ Phước Tích thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) có bề dày truyền thống hơn 500 năm. Năm 2009, làng được công nhận Di tích quốc gia, là ngôi làng cổ thứ hai được xếp hạng sau làng Đường Lâm (Hà Nội). 

Dưới triều vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497), hầu tước Hầu Minh Hùng, quê ở Cẩm Quyết, Quỳnh Lưu (Nghệ An) sau đại thắng quân Chiêm Thành năm 1470 đã chọn xứ Cồn Dương (sau đổi tên thành làng Phúc Giang, Hoàng Giang, đến thời vua Gia Long mới có tên Phước Tích) nằm bên dòng sông Ô Lâu để chiêu dân, lập ấp, giúp dân an cư lạc nghiệp bằng nghề làm gốm sứ.

Đến nay, làng Phước Tích vẫn giữ được những đặc trưng cơ bản của một ngôi làng cổ Việt Nam với cây thị cổ, bến nước, sân đình, chùa miếu và những ngôi nhà rường được xây dựng từ rất lâu đời. Những ngôi nhà rường cổ là niềm tự hào của người dân Phước Tích, hàng chục ngôi nhà có tuổi đời ngót nghét 200 năm vẫn nguyên vẹn về kết cấu cột, kèo, xuyên, trến, xà, đòn tay...

Nhà rường cổ Phước Tích.
Nhà rường cổ Phước Tích.

Dân làng Phước Tích còn tự hào về cây thị 500 năm tuổi, cao chừng 25 mét, đường kính thân cây chỗ lớn nhất gần 2 mét (bằng 4-5 sải tay người lớn), đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản. Theo lời kể của các cụ lớn tuổi trong làng, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, tận dụng phần thân cây gần dưới gốc bị rỗng, các cán bộ, chiến sĩ cách mạng đã lấy đó làm nơi trú ẩn... Dân làng Phước Tích mỗi lần qua miếu Cây Thị là phải cúi đầu bởi gắn với ngôi miếu là những câu chuyện ly kỳ liên quan đến việc quở trách những ai đến đây mà buông lời tục tằn, to tiếng.

Ngõ vào nhà ở làng cổ Phước Tích.
Ngõ vào nhà ở làng cổ Phước Tích.

Phước Tích còn được biết đến với nghề gốm có truyền thống hơn 500 năm. Nổi tiếng nhất trong hàng trăm sản phẩm của làng gốm cổ Phước Tích là chiếc om. Om ngự Phước Tích chính là sản phẩm nổi tiếng được “tiến vua”. Cơm vua nhất định phải được nấu bằng chiếc om do làng gốm Phước Tích làm ra. Khi vua ăn xong om thường được đập vỡ, mỗi bữa cơm được nấu bằng một chiếc om mới. Đó cũng là thời điểm hưng thịnh nhất của nghề gốm Phước Tích…

Đến những năm 1990 thì làng gốm Phước Tích bắt đầu xuống dốc và cuối cùng chấp nhận “tắt lửa”. Mãi đến Festival Huế 2010, gốm Phước Tích manh nha hồi sinh bằng hàng trăm sản phẩm lu, đột, trình, trắc ngang, âu tai, am, âu trứng... do chính những nghệ nhân lão làng chống gậy đứng dậy động viên, chỉ dạy con cháu giữ lấy nghề của cha ông. Tuy vậy, đến làng Phước Tích hôm nay, vào thăm những ngôi nhà rường cổ, sản phẩm nghề gốm vẫn được trưng bày sống động từ ngoài ngõ là những chiếc lu, chậu, chum, bình… vào đến trong nhà là om ngự, những bộ tách trà, chén uống nước, bình vôi, niêu, ấm, tộ…

Nguyễn Tiến Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.