Người đam mê ứng dụng thổ cẩm trong thời trang
Vừa bảo tồn được văn hóa truyền thống, vừa tạo sự mới lạ trong thời trang, lại tăng thêm thu nhập cho nghệ nhân dệt, đó chính là những hiệu quả mà việc ứng dụng thổ cẩm trong thời trang mang lại. Người góp phần mang lại thành công, nâng tầm giá trị sản phẩm thổ cẩm là nhà thiết kế Nguyễn Thành Trung (TP. Buôn Ma Thuột).
Phát huy văn hóa thổ cẩm
Mang nhiều giá trị tinh thần trong cộng đồng dân tộc thiểu số nói riêng và cộng đồng người Việt Nam nói chung, nhưng nghề dệt thổ cẩm đang phải đối mặt với nguy cơ bị mai một. Đời sống của các nghệ nhân vẫn khá chật vật do không tìm được thị trường tiêu thụ lớn, sản phẩm hoàn thiện ít được ưa chuộng. Với mong muốn cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số sống bằng nghề dệt thổ cẩm, cũng như lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống, nhiều nhà thiết kế đã nỗ lực đồng hành cùng các nghệ nhân đưa thổ cẩm lên một tầm cao mới, ứng dụng nhiều hơn vào đời sống, tạo cho thổ cẩm có một chỗ đứng và tồn tại bền bỉ theo thời gian.
Đơn cử như việc ứng dụng thổ cẩm vào lĩnh vực thời trang, nó đang có những bước phát triển rõ rệt. Không dừng lại ở việc dùng thổ cẩm nguyên bản để tạo ra các sản phẩm đơn giản, các nhà thiết kế đã đưa nguyên liệu này vào những mẫu thiết kế ở các sản phẩm mang tính ứng dụng như quần áo, giày vải, ba-lô, ví cầm tay… để bán cho những người có nhu cầu và cả khách du lịch. Song, ứng dụng vào trang phục vẫn được xem là phù hợp và thu hút hơn cả.
Du khách quan tâm tìm hiểu về cách dệt thổ cẩm. |
Sản phẩm dệt làm ra vừa được cung ứng rộng rãi trên thị trường, vừa giúp tạo thêm thu nhập cho người dân các làng nghề thông qua việc mua nguồn thổ cẩm của họ để làm nguồn nguyên liệu cho thời trang. Đặc biệt, thổ cẩm của mỗi dân tộc lại có những nét độc đáo khác nhau như: dân tộc Dao có áo dệt bằng sợi bông nhuộm chàm; thổ cẩm dân tộc Mông dệt từ sợi cây lanh, cho ra loại vải trắng và người phụ nữ Mông dùng sáp ong vẽ hoa văn lên váy rồi nhuộm chàm, thêu chỉ màu… Những trang phục ứng dụng thổ cẩm với những màu sắc và hoa văn không chỉ phản ánh vẻ đẹp của thiên nhiên mỗi vùng, miền mà còn biểu đạt ý niệm thẩm mỹ, tín ngưỡng tâm linh và lịch sử, văn hóa của mỗi cộng đồng dân tộc anh em.
Nhà thiết kế Nguyễn Thành Trung (TP. Buôn Ma Thuột)
|
Nhà thiết kế Nguyễn Thành Trung (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay: “Để tạo ra những sản phẩm thổ cẩm có hoa văn tinh xảo, màu sắc sặc sỡ, nghệ nhân cần phải có đôi tay thoăn thoắt, khiếu thẩm mỹ tốt cũng như cách phối màu khéo léo. Hơn nữa, thời gian dệt tính bằng tháng, bằng năm chứ không chỉ đôi ba ngày. Đầu tư là vậy, nhưng nếu sản phẩm không được tôn trọng thì rất tiếc”. Thế nên, là một nhà thiết kế, anh luôn trăn trở làm sao để có thể phát huy được văn hóa thổ cẩm, đồng thời có thể đi xa cùng các nghệ nhân trên con đường này.
Ngày càng vươn xa
Ban đầu anh Trung chỉ ứng dụng thổ cẩm vào một số trang phục đơn giản như áo dài, vest nam. Càng làm, ý tưởng càng nảy nở, dẫn anh lấn sân sang trang phục trẻ em, dạ hội.
Ở trang phục trẻ em, anh Trung cho ra mắt bộ sưu tập (BST) mang tên “Thổ cẩm với thế giới tuổi thơ”, lấy chất liệu chính là thổ cẩm, với những màu sắc rực rỡ và đường nét khỏe khoắn, duyên dáng, phù hợp với tuổi thơ gây ấn tượng với người xem. Đó cũng như một lời nhắn gửi đến thiếu nhi, hy vọng các em sẽ yêu quý hơn nữa nghề dệt thủ công truyền thống tại địa phương. Bởi khi khoác lên mình trang phục độc đáo này, các em sẽ nhận thấy vẻ đẹp mà chất liệu này mang lại, từ đó quý trọng hơn “đời sống” của thổ cẩm. Từ việc trồng những loại cây tạo ra sợi như cây lanh, cây bông, cây dâu nuôi tằm, cho đến công đoạn khó khăn của nhuộm vải từ những cây, lá, củ trong rừng và những công cụ dệt... Qua đó, thế hệ măng non cần phải giữ gìn hơn nữa nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Trang phục có thổ cẩm được rất nhiều người yêu thích và lựa chọn. |
Hay như BST mang tên EURA lại có khía cạnh nhắn gửi khác, đó là những trang phục dạ hội pha thổ cẩm, được chính những người mẫu ngoại quốc trình diễn trong chương trình Việt Nam Heritage - chương trình quảng bá di sản Việt Nam ra bạn bè năm châu. BST mang vẻ đẹp hiện đại với kiểu dáng trang phục tây phương, là những bộ đầm dạ hội nhưng vẫn giữ hồn thổ cẩm Việt ở sự nhấn nhá tinh tế, phá cách. Từ sự kết hợp này anh Trung muốn đưa thổ cẩm hội nhập hơn, gần gũi hơn với bạn bè quốc tế. Với sự nỗ lực và hy vọng, BST EURA như một sự kết nối, các trang phục này không chỉ dừng lại trên sàn diễn mà có thể ra tới thảm đỏ; dành cho buổi tiệc quan trọng của những người nổi tiếng trong và ngoài nước. Khi nhìn trang phục, người xem biết rằng nó bắt nguồn từ thổ cẩm của Việt Nam.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc