Multimedia Đọc Báo in

Thủy chung với nghề đan lát truyền thống

17:48, 26/08/2019

Mặc dù đã gần 80 tuổi nhưng ông Y Bok Mlô ở buôn Mùi 1, xã Cư Né (huyện Krông Búk) vẫn cần mẫn sáng tạo ra những sản phẩm đan lát độc đáo, tinh xảo.

Năm 1958, ông Y Bok tham gia kháng chiến chống Mỹ ở thị xã Cheo Reo, tỉnh Phú Bổn (nay là phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai). Trong thời gian này, ông đã được các đồng đội truyền dạy cho các kỹ năng làm những sản phẩm từ mây, tre, nứa... để vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ chiến trường. Nhờ siêng năng và ham học hỏi nên sau một thời gian ông Y Bok đã có thể tự đan cho mình những sản phẩm như: rổ, rá, nong, nia, sọt… Từ đó đến nay, ông Y Bok gắn bó với nghề đan lát này...

Ông Y Bok Mlô thường đan nia lúc rảnh rỗi.
Ông Y Bok Mlô thường đan nia lúc rảnh rỗi.

Để tạo ra một sản phẩm đan lát phải trải qua nhiều công đoạn, mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ ở từng chi tiết. Mặc dù nguyên liệu để làm ra những sản phẩm có sẵn trong tự nhiên, nhưng để tạo ra một sản phẩm đan lát đẹp, bền ông Y Bok phải mất cả ngày đi vào rừng sâu chọn những cây lồ ô thân to, thẳng, thưa đốt, có màu xanh, không quá già hoặc quá non vì nếu chọn lồ ô quá già khi đan sẽ bị gãy, ngược lại những cây lồ ô non thường chứa nhiều nước nên khi sấy mất nhiều thời gian và dễ bị mọt. Lồ ô sau khi chặt đem về nhà không nên để lâu vì cây khô sẽ khó chẻ nan và không giữ được độ dẻo cần thiết. Việc chuốt nan rất cần sự khéo léo, nhẫn nại bởi nếu vót không đều, nhẵn thì khi đan các nan sẽ không khít vào nhau.

 

“Sản phẩm đan lát ngoài phục vụ sinh hoạt cho gia đình thì người Êđê còn dùng để tặng người thân, bạn bè, thông gia hoặc được dùng làm của hồi môn cho con cái khi lập gia đình”.

 

 
Ông Y Bok Mlô

Ông Y Bok cho biết, thời gian hoàn thành một sản phẩm phụ thuộc vào loại, kiểu dáng, mục đích sử dụng và độ cầu kỳ về trang trí hoa văn theo yêu cầu của khách hàng. Trung bình để hoàn thiện một cái gùi, nia hoặc sàng, ông phải mất từ 2 - 5 ngày, thậm chí có những sản phẩm mất gần nửa tháng. Khéo léo, tỉ mỉ đến từng chi tiết nên những sản phẩm do ông Y Bok làm ra đều được người dân trong buôn và cả ở những địa phương khác tìm đến mua với giá từ 50.000 – 300.000 đồng/chiếc tùy loại.

Mặc dù giờ đây, các sản phẩm đan lát thủ công không còn được ưa chuộng như trước, số người duy trì theo nghề nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, nhưng ước mong lớn nhất của ông Y Bók là không muốn nghề đan lát truyền thống của dân tộc mình bị mai một theo thời gian. Vì thế, dù tuổi cao nhưng hằng ngày, ông Y Bok vẫn miệt mài với công việc đan lát và dành nhiều thời gian, tâm huyết để truyền nghề cho con cháu và bất cứ ai có nguyện vọng học nghề.

Ông Y Bok Mlô đang truyền nghề đan lát cho thanh niên ở địa phương.
Ông Y Bok Mlô đang truyền nghề đan lát cho thanh niên ở địa phương.

Tuy không còn ở cái thời mà con trai lớn lên phải biết đan lát mới lấy được vợ, con gái phải thạo đan chiếu, dệt vải mới lấy được chồng, nhưng nhờ tình yêu văn hóa truyền thống và sự dìu dắt của ông Y Bok, một số thanh niên trong vùng đã ý thức được việc giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Ông Y Bok tâm sự: “Tôi mong muốn các cấp, các ngành sớm có những chính sách hỗ trợ thích hợp để khuyến khích, động viên bà con mở rộng, phát triển nghề đan lát, từ đó tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động địa phương”.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.