Multimedia Đọc Báo in

Tục chọn rẫy mới của người Vân Kiều

08:58, 25/08/2019

Để có nguồn lương thực sinh sống hằng ngày cũng như dự trữ cho những thời điểm thiên tai, mất mùa, người Vân Kiều luôn dành nhiều thời gian và công sức làm ruộng nương.

Sống nhờ nương rẫy nhưng không vì thế mà người Vân Kiều bất chấp tất cả để giành lấy cho riêng mình những thửa ruộng rộng lớn, tươi tốt và bằng phẳng nhất. Trong quy trình chọn rẫy mới của người Vân Kiều, ai nấy đều tuân theo quy ước nhường nhịn, đoàn kết và phải được Giàng đồng ý.

Khi cái nắng mùa hạ trở nên gay gắt cũng là lúc người Vân Kiều bắt đầu mùa chọn rẫy, phát cây, trồng lúa, trỉa ngô. Trước khi lên rừng chọn rẫy, chủ hộ phải đến từng nhà trong bản để hỏi thăm vạt đất nào đó đã có chủ hay chưa nhằm tránh tranh chấp không đáng có khi canh tác. Trong quá trình tham khảo, người đó nhiều khi may mắn sẽ được chính bà con đồng tộc giới thiệu cho đám rẫy bằng phẳng, thuận lợi để cùng nhau gieo trồng.

Sau khi được thầy cúng chọn cho ngày tốt, giờ đẹp, chủ hộ sẽ mang theo dao, rựa, cuốc, liềm đi về phía những cánh rừng. Khi đến được khoảnh đất như trong ý định, họ sẽ làm nghi lễ xin phép Giàng. Không cần lễ vật cầu kỳ, tốn kém, người chọn rẫy bắt đầu phát quang vài mét vuông cây rừng, tiếp đến họ chặt một cành cây vươn thẳng, khỏe mạnh, dài bằng sải tay để làm thước đo. Thước được người chọn rẫy đặt ngay ngắn xuống nền đất vừa phát rồi quỳ xuống vái xin Giàng cho phép được chọn thửa đất này để canh tác…

Phụ nữ Vân Kiều thu hoạch lúa rẫy.
Phụ nữ Vân Kiều thu hoạch lúa rẫy.

Bái lạy xong, người chọn rẫy cầm thước lên rồi giang tay đo lại. Nếu Giàng đồng ý thì thước vẫn y nguyên kích thước bằng sải tay trước đó hoặc dài hơn, còn trường hợp thước đột nhiên thu ngắn lại thì đồng nghĩa với việc chủ hộ đó buộc phải tìm kiếm vùng đất khác. Trong quan niệm của đồng bào, nếu cố chấp cày cuốc trên nương rẫy không được Giàng cho phép thì không những cây cối sẽ triệt rụi, thất bát mà các thành viên trong gia đình cũng bị quở phạt thích đáng. Những thửa ruộng không phù hợp với chủ hộ này nhưng có thể với chủ hộ khác lại được Giàng đồng ý. Vì thế người Vân Kiều luôn phấn khởi cho rằng dù gì Giàng cũng sẽ ban cho gia đình họ những đám rẫy hài hòa và năng suất nhất.

Khi đã có những mảnh rừng danh chính ngôn thuận, người Vân Kiều bắt tay vào phát, đốt và thu dọn. Khi rẫy được thu dọn xong thì từng gia đình chọn ngày lành, giờ tốt để làm lễ cúng rẫy, cầu mong các vị thần cai quan rừng núi ban cho người làm rẫy cũng như gia đình được khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, xua đuổi tà ma, thú dữ, phù hộ lúa ngô không bị sâu bệnh tàn phá, luôn phơi phới, được mùa… Nghi lễ này được gói ghém trong một mâm xôi, gà, rượu, bánh…

Trong khi người chồng khẩn nguyện thần linh thì người vợ sẽ được ưu tiên bới đất, gieo lấy lệ những hạt thóc đầu tiên trên rẫy đất mới của gia đình mình. Nếu may mắn tìm được những triền nương rộng lớn cùng một lúc cho nhiều hộ gia đình sản xuất thì trong những dịp cúng rẫy này, không khí vào vụ mới của người Vân Kiều luôn hân hoan, vui tươi như mùa lễ hội.   

Ngày mùa ở bản Vân Kiều.
Ngày mùa ở bản Vân Kiều.

Người Vân Kiều hay chọn rẫy mới trên những cánh rừng già thâm u nhất, nơi chưa từng có ai khai hoang để tiện bề khai phá. Ruộng nương ông bà tích lũy mai sau sẽ được nhượng lại cho con cháu. Mặt trái tục chọn rẫy mới của người Vân Kiều làm cho diện tích rừng lâu năm bị tàn phá, hơn nữa khi dân số của tộc người ngày một tăng lên, gánh nặng sinh kế theo đó mà tăng theo khiến diện tích rừng càng bị đốt phá nhiều hơn. Mùa phát rẫy, đốt rẫy của đồng bào diễn ra vào những ngày nắng hạn rất dễ phát sinh những vụ cháy rừng gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngày nay, Đảng, Nhà nước luôn ưu tiên đầu tư nhằm rút ngắn khoảng cách giữa vùng đồng bào các dân tộc thiểu số với miền xuôi. Các ứng dụng khoa học kỹ thuật trong cải tạo đất đai, giống cây trồng, nước tưới, phân bón được phát huy hiệu quả giúp người dân không phải du canh du cư mà luôn an tâm canh tác trên những vạt đồi đã có sẵn của nhà mình. Vì thế, phong tục chọn rẫy mới của người Vân Kiều dần bị mai một. Lối sản xuất phát, đốt, cốt, trỉa, tự cung tự cấp được thay thế bằng mô hình giao đất, giao rừng đến từng hộ dân để bà con trồng rừng (lim, huỵnh, sưa, keo, tràm…) xen với cây sắn, đậu xanh kết hợp chăn nuôi, lấy ngắn nuôi dài từ sự ưu đãi vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. 

Tục chọn rẫy mới dẫu vậy vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí các vị già làng, người Vân Kiều lớn tuổi. Họ trân trọng những tháng ngày đói khổ mà vẫn miệt mài khai vỡ, nhường nhịn, đoàn kết và trợ giúp nhau để có được lương thực nuôi sống và mở mang tộc người.

Nguyễn Tiến Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.