Multimedia Đọc Báo in

Về Chương Xá chiêm ngưỡng quần thể lộc vừng cổ

09:06, 03/08/2019

Lộc vừng là loài cây có mặt ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam nhưng có một nơi loài cây này mọc thành quần thể có niên đại hàng nghìn năm, trở thành “báu vật” sống. Đó là quần thể lộc vừng cổ ở xã Chương Xá (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ)...

Men theo con đường làng dẫn vào xã Chương Xá, giữa cánh đồng lúa bát ngát nổi lên một đồi thấp mà người dân nơi đây vẫn gọi là Gò Thờ, nơi đó quần tụ hàng trăm cây lộc vừng có niên đại hàng nghìn năm tuổi mọc quấn quýt, bao bọc, nâng đỡ nhau tạo nên một quần thể thực vật độc đáo ở vùng đất này. Tương truyền, nơi đây xưa kia nước dâng cao tới lưng ngọn cây; các Vua Hùng, công chúa, hoàng tử thường chèo thuyền dạo chơi, vãn cảnh. Sau này, nước rút cạn, người dân cải tạo thành cánh đồng lúa. Rừng lộc vừng vẫn sinh trưởng và phát triển trên mỏm đồi giữa cánh đồng và tồn tại theo thời gian.

Những cây lộc vừng cổ thụ mọc quấn quýt tựa rừng nguyên sinh.
Những cây lộc vừng cổ thụ mọc quấn quýt tựa rừng nguyên sinh.

Trong quần thể hiện có tới 91 cây lộc vừng cổ thụ. Hầu hết các cây đều có niên đại, thân xù xì gợi lên dấu mốc thời gian, rễ cây uốn lượn quanh đồi và thân cây vừa cao sừng sững vừa uốn những đường cong tuyệt đẹp như thể đang bao bọc lấy nhau. Người dân trong làng không biết đích xác rừng lộc vừng có từ bao giờ, chỉ biết rằng, theo năm tháng, quần thể lộc vừng vẫn xanh tốt như một sự thách thức với dòng chảy của thời gian, vẫn trổ hoa và trở thành một nét đẹp, một “báu vật” sống của làng mình. Nhìn từ xa, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi chiêm ngưỡng tổng thể quần thể lộc vừng. Những cây lộc vừng cổ như một đóa sen đang tỏa ra sắc xanh giữa cánh đồng lúa bằng phẳng, tạo nên dáng vẻ kỳ vĩ và độc đáo và khó có thể phân biệt được có bao nhiêu cây lộc vừng trong quần thể đó.

Bước vào không gian quần thể lộc vừng, không gian thoáng đãng, phía trên là màu xanh thẳm của lá lộc vừng che mát, nắng mặt trời rọi chiếu tạo nên những đường viền tuyệt đẹp. Thân cây lộc vừng cao sừng sững, uốn lượn, có khi tạo thành những chiếc vòng tự nhiên là là mặt đất, lại có khi uốn thành những con rồng đẹp đến lạ thường.

Mùa lộc vừng Chương Xá trổ hoa là thời điểm lý tưởng nhất để du khách đến đây chiêm ngưỡng vẻ đẹp của quần thể này. Đó là vào thời gian tháng 6 âm lịch. Hàng trăm cây lộc vừng trổ hoa rực rỡ trên khắp thân cành. Từng chùm hoa lộc vừng đỏ rọi buông xuống khiến cho không gian tựa như xứ sở thần tiên. Cánh hoa rụng xuống mặt đất tạo thành những tấm thảm hoa mềm mại, tươi rói sắc màu để du khách thỏa sức chiêm ngưỡng và ghi lại những khoảnh khắc hiếm có của quần thể lộc vừng cổ.

Vào cuối đông, rừng lộc vừng Chương Xá chút hết toàn bộ lá vàng, để lại những thân cành khẳng khiu. Khi ấy nhìn quần thể lộc vừng với những cành đan xen nhau tựa như những cánh tay khổng lồ đang nâng đỡ, quây quần lẫn nhau. Vào đầu mùa xuân, khi tiết trời ấm áp, rừng lộc vừng cổ trào dâng sức sống mới, từ những thân cành xù xì bật lên những mầm non, mượt mà, ngời lên sức sống sinh sôi. Vào những ngày hè, người dân mang võng ra rừng lộc vừng nằm hóng mát, hoặc khi cấy lúa dưới đồng, gặp mưa có thể vào trú mà không bị ướt.

Tán lá lộc vừng tươi tốt tạo nên mái che xanh mát.
Tán lá lộc vừng tươi tốt tạo nên mái che xanh mát.

Ở giữa rừng lộc vừng có một ngôi mộ cổ và một ngôi miếu cổ. Tương truyền, ngôi mộ cổ thờ một công chúa thời Hùng Vương. Các bậc cao niên trong làng kể lại, xưa kia, vùng đất này phong cảnh hữu tình, các công chúa thường hay chèo thuyền đến vãn cảnh. Về sau, khi công chúa mất, dân làng đắp thành một gò đất cao để thờ. Ngôi mộ được xây bằng đá ong, phía trước có trồng hai cây cọ biểu tượng như hai cây đèn thờ trước mộ. Từ đời này qua đời khác, người dân Chương Xá hương khói phụng thờ. Vì vậy, quần thể lộc vừng cổ không chỉ là một thảm thực vật tự nhiên mà còn gắn với tín ngưỡng thờ cúng thời Hùng Vương, được nhân dân trong vùng tôn kính, bảo vệ.

Quần thể lộc vừng Chương Xá được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam phong danh hiệu Cây di sản Việt Nam. Nơi đây trở thành điểm đến trải nghiệm lý tưởng của du khách gần xa, là “báu vật” thiên nhiên của vùng đất Tổ Phú Thọ.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.