Cô gái Hmông yêu trang phục truyền thống
Với những kỹ năng học được tại Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên, Giàng Thị Tùng (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) đã ứng dụng kỹ thuật cắt may hiện đại vào trang phục truyền thống của phụ nữ Hmông, giúp bộ trang phục trở nên đẹp và giàu sức sống hơn.
Gia đình Giàng Thị Tùng vào định cư tại thôn Ea Lang (xã Cư Pui) từ năm 2000 cùng những bà con Hmông khác. Sau ít năm sinh sống ở vùng đất mới, cha mẹ của Tùng nhận thấy nhu cầu mua trang phục truyền thống của phụ nữ Hmông khu vực này khá cao, song do địa bàn xa xôi, giao thương hạn chế nên chị em rất khó mua được những bộ váy áo vừa ý và hợp túi tiền. Vì thế, cha mẹ Tùng bắt đầu mang những chuyến hàng quần áo, trang sức của người Hmông từ các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Giang về phục vụ những người con xa quê.
Từ những chuyến hàng nhỏ ban đầu, đến nay căn nhà của gia đình Tùng đã trở thành điểm mua sắm quen thuộc của phụ nữ Hmông với hàng nghìn mặt hàng đa dạng như: váy, áo, mũ, xà cạp, khuyên tai, vòng cổ, vải vóc, chỉ thêu, hạt cườm… Ngoài bán trang phục và phụ kiện, mẹ Tùng cũng tự mua máy may và mày mò cách may mũ, áo, yếm… theo nhu cầu của khách hàng.
Giàng Thị Tùng (bên trái) giúp khách mặc thử trang phục Hmông tại tiệm may của mẹ. |
Như bao bé gái Hmông khác, khi còn nhỏ, Tùng cũng có những bộ trang phục truyền thống riêng, phù hợp với đời sống hằng ngày lẫn những dịp đặc biệt. Ngoài giờ học, Tùng biết phụ mẹ kết cườm, thêu hoa văn nên sớm thuần thục những công đoạn tạo nên bộ trang phục Hmông. Mặc dù rất yêu và tự hào về bộ trang phục của dân tộc mình, song Tùng vẫn cảm thấy chiếc áo may theo cách của mẹ không thoải mái khi mặc, chưa tôn được những đường nét mềm mại của người phụ nữ. Nguyên nhân chính là do chiếc áo chỉ được cắt đơn giản theo hình chữ “T” từ một tấm vải nền bằng nhung hoặc thun chứ không khoét nách, chiết eo như áo sơ mi may theo Âu phục.
"Trong một lần em cùng các bạn mặc trang phục Hmông để chụp hình lưu niệm, nhiều bạn trẻ và khách du lịch đã đến làm quen, hỏi thông tin, ý nghĩa của trang phục và xin được chụp ảnh cùng. Chính điều đó khiến em càng thêm quyết tâm theo đuổi công việc hiện tại và làm việc bằng tất cả đam mê của tuổi trẻ".
Giàng Thị Tùng thổ lộ
|
Để tìm lời giải cho trăn trở của mình, sau khi tốt nghiệp THCS, Tùng đã xin cha mẹ cho theo học Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên tại TP. Buôn Ma Thuột, vừa tiếp tục học văn hóa, vừa học nghề cắt may thời trang. Năm 2018, khi hoàn thành chương trình phổ thông, Tùng đã “lận lưng” khá nhiều kiến thức và kỹ năng cắt may. Em không chọn học lên cao mà về nhà phụ giúp mẹ, biến những ý tưởng của mình thành hiện thực ngay trên chính những bộ trang phục của phụ nữ Hmông.
Tùng chia sẻ, phần quan trọng nhất của trang phục Hmông là phần vải kết cườm, thêu hoa văn dưới hình thức từng dải rời. Những dải hoa văn này sẽ được may ghép lên mũ, viền cổ và ngực áo, yếm, xà cạp… theo ý tưởng của người may trang phục. Nếu ứng dụng kỹ thuật cắt may hiện đại vào bộ trang phục truyền thống, bộ trang phục sẽ trở nên vừa vặn, dễ mặc hơn. Vì thế, khách đến cửa tiệm của mẹ được Tùng lấy số đo riêng theo kỹ thuật đã học. Phần vai, nách được cắt, khoét theo cách may Âu phục khiến cho người mặc có cảm giác thoải mái, không bị giật, thụng như trước. Ngoài cổ áo tròn, Tùng còn may thành áo cổ trụ, cổ lá, cổ tim theo ý thích của khách hàng và ghép hoa văn sinh động, đặc sắc hơn. Tùng cũng sáng tạo nên những bộ váy dài và cầu kỳ, giúp cho các cô gái Hmông thêm phần nổi bật trong lễ cưới hoặc những dịp quan trọng khác.
Nhờ may được nhiều kiểu áo đẹp và đa dạng, tiệm may của mẹ Tùng ngày càng được phụ nữ trong vùng tin tưởng. Những người lớn tuổi thường chọn cách may truyền thống của mẹ, còn Tùng đảm nhiệm những khách hàng trẻ tuổi hơn. Ngoài việc cắt may, Tùng còn kiêm luôn việc tư vấn kiểu dáng và cách sắp xếp hoa văn để bộ trang phục trở nên hài hòa, sống động.
May trang phục truyền thống của phụ nữ Hmông đã trở thành niềm say mê của Tùng mỗi ngày. |
Khi được hỏi về thu nhập, Tùng cười hiền lành cho biết, em chỉ làm giúp mẹ và thỏa đam mê là chính chứ chưa nghĩ đến việc mở tiệm cho riêng mình. Tùng chỉ mong được may thật nhiều bộ trang phục đẹp để phụ nữ Hmông thêm tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc mình và gìn giữ nét đẹp ấy cho những thế hệ tương lai.
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc