Cơ hội và thách thức cho du lịch Đắk Lắk (Kỳ 1)
Đoàn công tác của Tỉnh ủy do đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) về công tác quy hoạch, kêu gọi, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn Đắk Lắk vào trung tuần tháng 10 vừa qua. Đây được xem là động thái tích cực và hết sức có ý nghĩa trong việc nhận thức, xác định vị thế và tầm quan trọng của ngành kinh tế này đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Kỳ 1: Những bước tiến ấn tượng
Theo ông Nguyễn Sơn Hưng - Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT-DL), đây là dịp để các ban, ngành và đơn vị liên quan trao đổi, chia sẻ nhằm tìm giải pháp và hướng đi phù hợp cho ngành kinh tế du lịch tiếp tục bứt phá mạnh mẽ và bền vững hơn trong thời gian tới.
Du khách trải nghiệm chăm sóc voi ở Khu du lịch Hồ Lắk. |
Thời gian qua, nhất là giai đoạn 2016 đến nay, bức tranh du lịch Đắk Lắk đã trở nên sáng rõ hơn với những bước tiến khá ấn tượng được thể hiện qua góc độ đầu tư cơ sở hạ tầng, quảng bá và xúc tiến cũng như thu hút số lượng du khách đến đây.
Theo báo cáo của Sở VH-TT-DL, trong giai đoạn này đã thu hút được 10 dự án đầu tư phát triển du lịch bằng nguồn vốn xã hội hóa với tổng kinh phí gần 3.650 tỷ đồng. Trong đó, có 6 dự án đã đưa vào khai thác, sử dụng, 4 dự án đang tiến hành triển khai đầu tư và thực hiện thủ tục đầu tư. Trên địa bàn tỉnh hiện có 211 cơ sở lưu trú, có thể phục vụ khoảng 9.000 lượt khách đến đây cùng một thời điểm. Hoạt động kinh doanh lữ hành, dịch vụ đính kèm cũng đã có bước chuyển biến đáng kể với 18 đơn vị kinh doanh lữ hành; 28 khu, điểm tham quan du lịch, 9 cơ sở dịch vụ đạt chuẩn phục vụ du khách trải nghiệm và mua sắm. Nhờ vậy mà tổng lượt khách đến Đắk Lắk giai đoạn trên ước đạt gần 3 triệu lượt người, doanh thu đạt hơn 2.650 tỷ đồng.
(Báo cáo đánh giá của Sở VH-TT-DL trong buổi làm việc với Đoàn công tác Tỉnh ủy)
|
Về công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng phục vụ ngành du lịch trong giai đoạn 2016 - 2020, chính quyền địa phương cũng đã nỗ lực thực thi nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ nhằm tạo hành lang pháp lý để kêu gọi các nhà đầu tư. Ví như trong hai năm 2018 – 2019, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành du lịch đã tiến hành khảo sát một số tour – tuyến du lịch có lợi thế và tiềm năng tại các huyện Krông Bông, Ea Kar, Krông Năng và thị xã Buôn Hồ để kết nối với các vùng du lịch trọng điểm được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia như TP. Buôn Ma Thuột, Hồ Lắk, Buôn Đôn. Từ đó hình thành không gian cho ngành kinh tế này phát triển theo hướng gia tăng chuỗi giá trị toàn ngành một cách liên tục và bền vững về hạ tầng, sản phẩm, nguồn nhân lực cũng như công tác quảng bá và xúc tiến du lịch trên cơ sở bảo đảm về môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng người tại chỗ.
Nhờ những nỗ lực trên mà Chương trình phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2016 – 2019 được đẩy mạnh và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Trước đó chỉ có 2 dự án đáng kể là đường giao thông từ trung tâm xã Ea Sol vào thác Bảy Tầng (huyện Ea H’leo) và đường vào thác Bảy Nhánh (huyện Buôn Đôn) được triển khai từ nguồn đầu tư của Trung ương và ngân sách đối ứng của tỉnh khoảng vài chục tỷ đồng. Nhưng trong 4 năm gần đây số dự án (công trình) hạ tầng phục vụ mục tiêu phát triển du lịch đã được đầu tư nhiều hơn với các dự án trọng điểm: Bờ kè chống sạt lở sông Sêrêpốk – Buôn Đôn; Đường giao thông vào Khu du lịch sinh thái hồ Ea Kao – TP. Buôn Ma Thuột; Bờ kè chắn đất kết hợp giao thông quanh Hồ Lắk; Đường giao thông vào hồ Ea Drăng – huyện Ea H'leo và nhiều hạng mục hạ tầng cơ sở Khu du lịch quốc gia Yok Đôn… với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng được xúc tiến, triển khai.
Múa xoang trong Lễ cúng mừng lúa mới của đồng bào Gia Rai, xã Ea H'leo, huyện Ea H'leo. |
Ngoài ra, còn có một số dự án phát triển du lịch được xem là “cú hích” để thúc đẩy ngành kinh tế quan trọng này bứt phá trong thời gian tới như: Mở rộng Trung tâm Du lịch Buôn Trí A (xã Krông Na - huyện Buôn Đôn); Nâng cấp đường vào Khu du lịch cụm thác Gia Long - Dray Nur (huyện Krông Ana); Khu du lịch Đồi Cư H’lâm (huyện Cư M’gar); Điểm du lịch cộng đồng - sinh thái buôn Akô D’hông (TP. Buôn Ma Thuột)… cũng được các cấp thẩm quyền xem xét và đồng ý chủ trương đầu tư.
(Còn nữa)
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc