Multimedia Đọc Báo in

Cơ hội và thách thức cho du lịch Đắk Lắk (Kỳ 2)

09:12, 11/11/2019

[links(left)]

Một khi hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư, cùng với đó là cơ chế, chính sách phù hợp và kịp thời về phát triển du lịch được các cấp có thẩm quyền ban hành, Đắk Lắk đã lập tức thu hút các nhà đầu tư tìm đến ngày càng nhiều hơn.

Kỳ 2:  Tạo sức hút đối với nhà đầu tư

Theo Sở VH-TT-DL, kể từ khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3394/QĐ-UBND, ngày 15-11-2016 về “Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 – 2020” và Danh mục dự án kêu gọi đầu tư 2018 - 2020, đã có ít nhất 8 dự án du lịch được xúc tiến, triển khai trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư hơn 194 tỷ đồng. Số dự án này chủ yếu tập trung tại TP. Buôn Ma Thuột và huyện Krông Bông (Điểm vui chơi, sinh hoạt văn hóa Ea Kao; Khu du lịch Đồi thông Mêhycô; Điểm du lịch Văn hóa Nay Thông; Điểm nghỉ dưỡng Ea Tam; Điểm du lịch giải trí và văn hóa Akô Dhông; Khu du lịch sinh thái Sơn Thủy; Khu sinh thái nghỉ dưỡng Minh Quân và Điểm du lịch thác Krông Kmar - huyện Krông Bông).

Ông Hà Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, hiện UBND tỉnh đã đồng ý cho 4 nhà đầu tư tên tuổi là Tập đoàn FLC, Vingroup và Công ty Cổ phần du lịch Hiểu về trái tim khảo sát, lập hồ sơ đề xuất 5 dự án thuộc lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh để trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. 5 dự án này gồm: Tổ hợp khu vui chơi, giải trí và sân golf hồ Ea Nhái (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc); Khu nghỉ dưỡng, sinh thái Hồ Lắk (xã Yang Tao, huyện Lắk); Khu du lịch nghỉ dưỡng Thiền tại Vườn Quốc gia Cư Yang Sin; Tổ hợp nhà nghỉ - sân golf 18 lỗ hồ Ea Kao và Khu biệt thự sinh thái Ea Kao (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột).

Khu du lịch sinh thái Suối Ong (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) được đưa vào khai thác, phục vụ du khách từ đầu năm 2019.  Ảnh: H.Hùng
Khu du lịch sinh thái Suối Ong (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) được đưa vào khai thác, phục vụ du khách từ đầu năm 2019. Ảnh: H.Hùng

Có thể nói đây là những dự án có quy mô lớn, một khi được phép triển khai thì cùng với một số dự án du lịch tầm cỡ khác đang được quy hoạch, kêu gọi và triển khai thực hiện trong thời gian qua như: Khu du lịch văn hóa - sinh thái dọc sông Sêrêpốk (huyện Buôn Đôn); Khu nghỉ dưỡng cao cấp Hồ Lắk (huyện Lắk); Cụm du lịch sinh thái thác Gia Long - Dray Nur (huyện Krông Ana); Khu du lịch văn hóa - sinh thái Suối Xanh (TP. Buôn Ma Thuột) và Đồi cảnh quan Cư H’lâm (huyện Cư M’gar) sẽ tạo nên điểm nhấn quan trọng, góp phần làm sinh động thêm bức tranh du lịch Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

 
“Các nhà đầu tư, phát triển du lịch đến Đắk Lắk luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị chức năng với mong muốn tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng cao, khác biệt, giàu bản sắc và thân thiện với cảnh quan môi trường”.
 
Ông  Nguyễn Sơn Hưng,  Trưởng Phòng Quản lý Du lịch - Sở VH-TTDL)

Theo Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh, song song với việc thu hút, xúc tiến đầu tư trên lĩnh vực này, chính quyền địa phương và các sở, ngành, đơn vị liên quan còn linh động, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án đã đăng ký.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh  Nguyễn Tuấn Hà luôn lưu ý điều đó và dẫn chứng như Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Hồ Lắk (huyện Lắk) hay Cụm du lịch sinh thái thác Gia Long - Dray Nur (huyện Krông Ana), trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư và đi vào triển khai xây dựng đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc về bàn giao mặt bằng, điều chỉnh mở rộng quy mô, tính chất dự án cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn (liên quan đến Luật Di sản, Luật Đất đai) đều được cơ quan chức năng kịp thời quan tâm giải quyết. Hay như mới đây Khu du lịch văn hóa - sinh thái Suối Xanh (TP. Buôn Ma Thuột) của Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên mặc dầu chậm tiến độ nhưng vẫn được UBND tỉnh gia hạn nhiều lần nhằm tạo điều kiện, cơ hội cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo cam kết.

Hoặc dự án hồ Ea Kar - Đồi Chư Cúc (huyện Ea Kar), do phương án đền bù, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, vướng mắc nên nhà đầu tư phải tạm dừng hồ sơ thuê đất, UBND tỉnh đã kịp thời có văn bản chỉ đạo và xử lý vấn đề trên; đồng thời thống nhất chủ trương cho nhà đầu tư (Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng - Thương mại - Đầu tư và Du lịch Ea Kar) thuê hơn 9 ha đất có rừng trồng nhằm điều chỉnh quy mô và hoàn thiện thủ tục pháp lý để dự án tiếp tục được triển khai.

Du khách chụp hình lưu niệm với người Mông làm du lịch cộng đồng tại xã Cư Suê - huyện Cư M'gar.
Du khách chụp hình lưu niệm với người Mông làm du lịch cộng đồng tại xã Cư Suê - huyện Cư M'gar.

Những khu, điểm du lịch khác, nhất là những nơi chủ đầu tư thực hiện dự án trên diện tích đất do mình sở hữu, mà không thuê đất của Nhà nước như Khu du lịch Suối Ong (phường Khánh Xuân);  Du lịch cộng đồng buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi) hay Điểm du lịch sinh thái vườn lan Troh Bư (xã Ea Nuôl - huyện Buôn Đôn)... đều được chính quyền địa phương và Sở VH-TT-DL hỗ trợ, hướng dẫn những quy định có liên quan đến hoạt động tổ chức, kinh doanh trên lĩnh vực này, giúp nhà đầu tư yên tâm và tin tưởng hơn vào lộ trình, chiến lược phát triển của mình.

(Còn nữa)

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.