Cơ hội và thách thức cho du lịch Đắk Lắk (Kỳ cuối)
[links(left)]
Nhà đầu tư tìm đến nhờ chủ trương, chính sách phát triển du lịch được chính quyền địa phương quan tâm, cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành kinh tế quan trọng này cũng được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, bất cập chậm được khắc phục khiến nhiều người băn khoăn, nhất là các đơn vị làm du lịch văn hóa - sinh thái trên địa bàn tỉnh.
Kỳ cuối: Những vướng mắc và hướng tháo gỡ
Tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác Tỉnh ủy với Sở VH-TT-DL vừa qua đã có nhiều ý kiến tâm huyết đưa ra nhằm “mổ xẻ” những vấn đề được xem là lực cản để phát triển ngành du lịch Đắk Lắk theo hướng hiệu quả và bền vững hơn. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cho rằng, trong số những hạn chế và vướng mắc còn tồn tại thì vấn đề được cảnh báo nhất đó là tiềm năng, cảnh quan, môi trường thiên nhiên ngày càng bị thu hẹp, phá vỡ nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, bản sắc văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ.
Điều đó đồng nghĩa với việc triệt tiêu điều kiện, cơ hội để du lịch phát triển, nhất là loại hình du lịch văn hóa - sinh thái vốn là thế mạnh của tỉnh. Các ngành chức năng và cộng đồng doanh nghiệp trên lĩnh vực này cần nhanh chóng đưa ra giải pháp củng cố và quy hoạch lại sản phẩm du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn, đặc biệt là du lịch văn hóa - sinh thái ở Buôn Đôn, Lắk, Cư M’gar và TP. Buôn Ma Thuột, bởi ở đó sản phẩm du lịch đang trở nên teo tóp, đơn điệu và thiếu sinh động do hệ lụy từ vấn nạn trên, khiến du khách thấy nhàm chán.
Ông Lê Hoàng Cơ - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch và Thương mại Dam San (bìa trái) trình bày phương án xây dựng và hoàn thiện sản phẩm Du lịch nông nghiệp- sinh thái tại xã Cư Suê, huyện Cư M'gar. |
Cảnh báo này được ông Lê Hoàng Cơ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch – Thương mại Dam San, cũng như ông Nguyễn Trụ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Thanh Hà chia sẻ: Nhà nước cần giúp đỡ, hỗ trợ về mặt chủ trương, chính sách để các doanh nghiệp xây dựng và hoàn thiện sản phẩm du lịch có chiều sâu và bền vững hơn. Ví như tìm hiểu, trải nghiệm với đời sống thuần dưỡng, sử dụng đàn voi nhà hiện có của người M’nông; sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong ngôi nhà dài của người Êđê; phục dựng lễ hội truyền thống các dân tộc tại chỗ, gắn với diễn xướng cồng chiêng cùng nhiều yếu tố khác cần phải được nghiên cứu, khai thác và hoàn thiện một cách trung thực, bài bản và khoa học hơn để thỏa mãn nhu cầu của du khách.
Những người làm du lịch trên địa bàn tỉnh cũng trao đổi thêm về Đề án Phát triển du lịch của tỉnh (giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến 2030) rằng, muốn tiếp tục phát triển du lịch văn hóa - sinh thái và du lịch cộng đồng, làng nghề thì phải khảo sát kỹ thực tế để giải quyết “bài toán” giữa bảo tồn và phát triển du lịch hiện nay một cách đồng bộ và rốt ráo. Để biến các loại hình du lịch này trở thành thế mạnh của Đắk Lắk thì nhất thiết, thậm chí là bắt buộc phải gìn giữ, bảo tồn cho được các giá trị văn hóa, lịch sử gốc của nó. Song, trên thực tế thì “yêu cầu bắt buộc” ấy đang ngày càng trở nên nan giải, nếu không nói là mâu thuẫn do phần thì bị mai một, biến dạng; phần thì bị đánh đổi vì những lợi ích kinh tế của nhiều ngành nghề khác.
Trải nghiệm và tham quan Vườn lan Troh Bư (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) là sản phẩm du lịch mới mẻ, hấp dẫn du khách. |
“Mỗi một giá trị văn hóa - sinh thái cộng đồng mất đi đồng nghĩa với sự thua thiệt và triệt tiêu cơ hội, điều kiện cho người làm du lịch. Có thể nói, để xảy ra vấn nạn trên khiến hoạt động du lịch nhiều nơi trở nên khó khăn và lúng túng trong việc hoạch định chiến lược phát triển ngành kinh tế quan trọng này”.
Ông Nguyễn Trụ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Thanh Hà - Buôn Đôn
|
Thêm một băn khoăn nữa, đó là thủ tục đầu tư, chính sách đất đai và thuế vẫn còn một số vướng mắc khiến bước phát triển du lịch ở đây chưa thật sự mạnh mẽ. Theo Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là việc sử dụng đất rừng trong hoạt động du lịch sinh thái.
Cụ thể, theo Luật Lâm nghiệp có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, để phát triển du lịch dưới tán rừng, các Ban Quản lý rừng phải xây dựng “Phương án quản lý rừng bền vững”, sau đó mới xây dựng Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại đó theo hình thức tự tổ chức, liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng.
Tuy nhiên, đến nay mặc dù đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương tại Công văn số 3220/UBND, ngày 24-4-2019 nhưng vẫn chưa có đơn vị quản lý, bảo vệ rừng nào trên địa bàn triển khai thực hiện, vì thế làm ảnh hưởng đến nhiều dự án du lịch sinh thái đang triển khai, nâng cấp và mở rộng như Khu du lịch nghỉ dưỡng Hồ Lắk; Khu du lịch sinh thái Bìm Bịp - huyện Lắk; Tuyến du lịch Buôn Tung – Hồ Ea Tyr - Ea Kar; Trung tâm du lịch Buôn Trí A - Buôn Đôn; Trung tâm Du lịch - Giáo dục môi trường Vườn quốc gia Yok Đôn và nhiều nơi khác...
Cộng đồng doanh nghiệp làm du lịch mong rằng, những vướng mắc trên cần được chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng từng bước tháo gỡ bằng những quyết sách phù hợp, kịp thời như rà soát, đánh giá việc chuyển đổi mục đích sử dụng tài nguyên (đất, rừng) một cách hợp lý, linh hoạt để phục vụ mục tiêu phát triển du lịch trước mắt và lâu dài theo hướng hài hòa, bền vững hơn. Giải pháp về bảo tồn vốn văn hóa truyền thống ở đây cũng cần được đẩy mạnh bằng những công cụ quản lý hữu hiệu cùng với thiết chế văn hóa chặt chẽ, đồng bộ và thường xuyên từ các cấp.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc