Nở rộ quán cà phê nhà dài Êđê
09:28, 03/11/2019
Vài năm trở lại đây, mô hình kinh doanh cà phê ở nhà dài của đồng bào Êđê nở rộ, vừa giúp nhiều hộ gia đình có thêm thu nhập vừa góp phần giới thiệu nét văn hóa truyền thống của đồng bào Êđê đến với mọi người.
Có sẵn ngôi nhà dài truyền thống ở ngay vị trí ven quốc lộ, bà H’Buốt Niê (buôn M’Oa, xã Cư Huê, huyện Ea Kar) mạnh dạn đầu tư sửa sang, mua sắm dụng cụ pha chế kinh doanh cà phê. Nắm bắt được thị hiếu của khách hàng thích thưởng thức cà phê tự rang xay bếp củi, bà H’Buốt đã tự tay chế biến nguyên liệu theo cách thủ công truyền thống.
Du khách thưởng thức cà phê và giao lưu văn nghệ trong một ngôi nhà dài. Ảnh: Hoàng Gia |
Với bí quyết từ ông bà xưa để lại, cà phê do bà H’Buốt rang xay giữ được hương vị thơm ngon tự nhiên nên được khách hàng rất ưa chuộng. Bởi vậy, dù chỉ mới hoạt động gần một năm nay nhưng quán cà phê nhà sàn của bà luôn đông khách. Không đơn thuần chỉ bán cà phê, bà H’Buốt và con gái còn tận dụng không gian nhà dài trưng bày, giới thiệu thêm nhiều sản phẩm khác của gia đình từ măng rừng, tiêu khô, rượu cần cho đến trang phục thổ cẩm… để phục vụ khách.
Ngoài đồ uống, điều khiến khách đến quán cà phê của bà H’Buốt thích nhất chính là không gian thoáng mát, ấm cúng gợi nhớ về tuổi thơ với những nếp nhà dài nối tiếp nhau. Bà H’Buốt chia sẻ: So với việc làm nương rẫy thì kinh doanh quán cà phê nhàn rỗi hơn rất nhiều. Rẫy thì mình có thể tranh thủ làm vào các ngày cuối tuần hoặc thuê nhân công làm khi đến mùa vụ.
Quán cà phê Arul (TP. Buôn Ma Thuột) ấn tượng với nếp nhà dài. Ảnh: Hoàng Gia |
Lợi nhuận từ việc kinh doanh quán cà phê cũng khá, lãi trung bình 400.000 – 500.000 đồng/ngày, vào các ngày lễ thì cao hơn. Quán của bà H’Buốt còn nhận phục vụ các món ăn truyền thống của người Êđê cho khách đi theo đoàn đông người và liên kết với đội cồng chiêng của địa phương để phục vụ khi khách có nhu cầu thưởng thức. “Vừa kinh doanh có lợi nhuận lại tạo được việc làm thêm cho các cháu và quan trọng là mình vừa giới thiệu được nét văn hóa truyền thống của đồng bào Êđê đến nhiều người”, bà H’Buốt bộc bạch.
Cũng với mong muốn tự làm chủ kinh tế gia đình, anh Kpin Niê H’đơk (ở buôn Alê A, phường Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột) tận dụng chính không gian nhà dài của gia đình để mở quán bán cà phê. Để tạo thêm vẻ độc đáo cho không gian quán, anh Kpin đã tự tay trồng, chăm sóc các loại hoa hồng leo nhập ngoại và cây địa lan. Tuy quán chỉ mới đi vào kinh doanh chưa lâu nhưng lượng khách đến quán rất ổn định.
Anh Kpin tâm sự: “Theo thời gian, nhà dài ở các buôn làng dần dần bị thay thế bởi những nhà xây kiểu mái Thái kiên cố. Vì vậy, bên cạnh kinh doanh vì lý do kinh tế, mình tạo dựng quán cà phê này còn với mong muốn giới thiệu với mọi người về không gian sống truyền thống của đồng bào Êđê”.
Đan Thanh
Ý kiến bạn đọc