Multimedia Đọc Báo in

Văn miếu Mao Ðiền - Nơi tôn vinh truyền thống hiếu học

06:58, 16/11/2019

Cùng với Văn miếu Quốc Tử Giám, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn miếu Mao Điền là nơi tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam.

Văn miếu Mao Điền nằm ở phía đông bắc của làng Mao thuộc xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương; cách trung tâm thành phố Hải Dương 16 km về phía tây. Đây là văn miếu lớn thứ hai (sau Văn miếu Quốc Tử Giám) trong tổng số 6 văn miếu lớn và ra đời sớm của Việt Nam.

Nhìn tổng thể, Văn miếu Mao Điền như một ngôi trường cổ xưa, toát lên truyền thống khoa bảng và hiếu học. Dấu mốc thời gian in hằn trên từng mái ngói rêu phong, bia đá; cây gạo cổ thụ hơn 200 năm tuổi vẫn tỏa bóng xanh mát ngay phía trước Văn miếu. Lần theo những văn bia, những chỉ dẫn và những hạng mục công trình được bài trí hài hòa, mang đậm phong cách của trường học thời xưa, du khách sẽ cảm nhận được vị trí, tầm quan trọng và giá trị lịch sử của Văn miếu Mao Điền.

Cổng  tam quan Văn miếu Mao Điền.
Cổng tam quan Văn miếu Mao Điền.

Văn miếu Mao Điền được lập từ thời Lê Sơ (1428 - 1527), nơi đây chủ yếu tổ chức các kỳ thi Hương để tuyển chọn nhân tài từ số các sĩ tử ở trấn Hải Dương và vùng phía đông thành Thăng Long. Đến thời nhà Mạc, triều đình đã tổ chức cả kỳ thi Hội ở đây. Vào năm 1535, tại Văn miếu Mao Điền, trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đỗ trạng nguyên, thủ khoa cả ba kỳ thi Hương - Hội - Đình. Đến thời Tây Sơn, Văn miếu được di chuyển từ Vĩnh Lại về sáp nhập với trường thi Hương và lấy tên địa phương đặt tên cho di tích nên mới có tên gọi là Văn miếu Mao Điền.

Văn miếu Mao Điền là một quần thể di tích gồm các hạng mục công trình như miếu thờ cổ, Văn miếu môn, nhà bia tiến sĩ gồm có 14 bia tiến sĩ đề danh 637 tiến sĩ nho học trấn Hải Dương (1075-1919), Thiên Quang tỉnh, cột cờ, hai nhà bia cổ, gác chuông, gác trống, nhà Đông vu, Tây vu, bái đường, hậu cung, Khải thánh. Các hạng mục trong quần thể chủ yếu được làm bằng gỗ, chạm khắc hoa văn tinh xảo, mang đậm dấu ấn của sự học và truyền thống khoa bảng xưa. Năm 1992, Văn miếu Mao Điền được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đến tháng 12-2018, Văn miếu Mao Điền được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Nét cổ kính và không gian đậm chất khoa bảng của Văn miếu Mao Điền.
Nét cổ kính và không gian đậm chất khoa bảng của Văn miếu Mao Điền.

Tại Văn miếu Mao Điền, có một không gian linh thiêng, cổ kính, đó là nơi thờ Khổng Tử, thầy giáo Chu Văn An và các danh nhân. Gian bái đường là ban thờ cộng đồng. Gian hậu cung có ba ban thờ, ban chính giữa thờ Khổng Tử; bên tả thờ Nhan Hồi, Tử Tư; bên hữu thờ Mạnh Tử và Tăng Tử, vốn là bốn học trò thân tín nhất của Khổng Tử từ lúc sinh thời. Bên cạnh đó, Văn miếu Mao Điền còn có các ban thờ các vị danh nhân như Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Anh hùng dân tộc - Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đồng thời, có ban thờ Đại danh y, Thái học sinh Tuệ Tĩnh, Thần toán Việt Nam Vũ Hữu, Nhập nội Hành khiển Phạm Sư Mạnh, tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ.

Hằng năm, Văn miếu Mao Điền đón hàng nghìn khách đến chiêm bái. Trong đó, đông nhất là học sinh, sinh viên ở mọi miền đến thắp hương, tìm lại những dấu ấn của sự học, truyền thống khoa bảng và noi gương các bậc tiền nhân neo vào sự học để thành người có đức, có tài. 

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.