Multimedia Đọc Báo in

"Truyền lửa" tình yêu văn hóa cồng chiêng

08:31, 01/12/2019

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, khơi dậy phong trào học và sử dụng cồng chiêng cho thế hệ trẻ, các lớp truyền dạy cồng chiêng cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số (DTTS) đã được đưa vào trường học, giúp các em có cơ hội tiếp xúc với cồng chiêng, qua đó hướng đến những giá trị cội nguồn.

Gần 2 tháng qua, cứ vào mỗi tối thứ 2, thứ 4, thứ 6 hằng tuần, không gian Trường Đại học Tây Nguyên lại vang vọng những thanh âm trầm bổng của tiếng chiêng phát ra từ lớp học đánh chiêng của các bạn sinh viên là người DTTS đang theo học tại trường.

Đây là đơn vị sự nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn mở lớp truyền dạy đánh cồng chiêng. Tham gia lớp học có hơn 40 học viên, thuộc nhiều dân tộc khác nhau như: Êđê, J'rai,  Mường, Tày, Nùng, Mạ… có chung niềm yêu thích, đam mê cồng chiêng Tây Nguyên. 

Nghệ nhân hướng dẫn cách  đánh chiêng cho  học viên  là sinh viên DTTS  của Trường Đại học  Tây Nguyên.
Nghệ nhân hướng dẫn cách đánh chiêng cho học viên là sinh viên DTTS của Trường Đại học Tây Nguyên.

Bạn H’Tiên Hmok (sinh viên lớp Giáo dục Tiểu học J'rai K16 ) chia sẻ, trước đây em chưa từng học cồng chiêng, tuy vậy từ nhỏ thường được nghe các nghệ nhân trong làng đánh cồng chiêng trong các lễ hội, từ đó đã hun đúc trong em tình yêu với cồng chiêng. Khi biết tin có lớp học đánh chiêng được tổ chức ngay tại trường, em đã đăng ký tham gia ngay, theo học em cảm thấy vui, vì bản thân đã đóng góp một phần vào giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

 Lớp học được chia làm 4 nhóm, mỗi buổi có 2 nhóm tham gia, tập luyện từ 17 - 19 giờ dưới sự truyền dạy của các nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Vì các học viên đa số lần đầu học đánh chiêng nên các nghệ nhân đứng lớp chú ý quan sát kỹ từng động tác để hướng dẫn tỉ mỉ, kịp thời điều chỉnh cách cầm chiêng, cách giữ nhịp chiêng của từng học viên. Không khí lớp học luôn sôi nổi bởi âm thanh của cồng chiêng, tiếng trao đổi, cười nói của các học viên.

Bạn Y Han Ông (người M’nông, sinh viên lớp Giáo dục chính trị K18) bày tỏ, dù đã biết đánh cồng chiêng từ trước nhưng khi tham gia lớp học, được sự chỉ bảo tận tình của các nghệ nhân, bạn đã biết thêm nhiều điều mới và cố gắng trau dồi thêm khả năng đánh cồng chiêng của mình. Đây cũng là dịp để các bạn sinh viên DTTS của trường có cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau và thắt chặt tình đoàn kết.

Các lớp truyền dạy cồng chiêng trong trường học đã khơi dậy phong trào học và sử dụng cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng.

Đến nay, hầu như các học viên đều đã nắm được cách đánh chiêng cơ bản, dù một số em vẫn còn hay mắc những lỗi cơ bản, sai nhịp, quên bài, nhưng tất cả đều nỗ lực tập luyện, chuyên cần đến lớp. Từ lớp học này, những học viên ưu tú sẽ được tuyển chọn làm thành viên nòng cốt trong đội chiêng của Trường Đại học Tây Nguyên.

Các sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên cùng các em trong đội chiêng nhí ở buôn Kom Leo (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) giao lưu tại lớp học.
Các sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên cùng các em trong đội chiêng nhí ở buôn Kom Leo (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) giao lưu tại lớp học.

Còn tại huyện Krông Búk, từ năm 2017 đến nay đã có 3 lớp truyền dạy đánh chiêng được Phòng Văn hóa - Thông tin huyện mở tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS huyện, thu hút gần 120 em học sinh DTTS theo học. Dưới sự truyền dạy của các nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm, đến nay hầu hết các em đều đã nắm được cách đánh chiêng cơ bản.

Nghệ nhân Y Môi Mlô (xã Cư Né, huyện Krông Búk) – người trực tiếp truyền dạy cồng chiêng cho các em từ năm 2017 đến nay chia sẻ: “Thật mừng vì các em học sinh người DTTS ở đây đã được tiếp xúc với cồng chiêng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Mình là thế hệ đi trước, sẽ dẫn đường, tiếp “lửa” cho người trẻ đi sau để cùng nhau giữ lấy cái nét, cái hồn của văn hóa dân tộc mình”.

Nghệ nhân bày tỏ niềm vui khi thấy dù còn nhỏ tuổi, lại lần đầu tập đánh chiêng, khi đánh một số bài chiêng còn có lúc ngắt quãng do sai nhịp, nhưng các em không nản chí mà vẫn chăm chỉ học, dõi theo từng động tác từ cầm dùi đến gõ nhịp của nghệ nhân để học hỏi. Ông hy vọng từ những lớp học này sẽ có thể ươm mầm những “hạt giống” nghệ thuật cồng chiêng của huyện nhà.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.