Multimedia Đọc Báo in

Huyền thoại về voi trắng

08:59, 30/01/2020

Ngày nay, nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng ở Buôn Đôn không còn nữa. Các gru (dũng sĩ săn bắt voi rừng) cũng đã lần lượt về cõi vĩnh hằng. Song hồi ức về Y Thu Knul, Ama Kông và những cuộc săn voi đình đám trên vùng đất Buôn Đôn huyền thoại vẫn được hậu thế lưu truyền…

Huyền thoại nghề săn voi

Về thăm “nghĩa trang các vua voi” ở huyện Buôn Đôn - nơi an nghỉ của những dũng sĩ săn voi trong Vườn Quốc gia Yok Đôn, tình cờ chúng tôi gặp già làng Amí Phương (trú buôn Buôn Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn). Bà là chắt ngoại của vua săn voi Y Thu Knul. Cầm nén hương trên tay, Amí Phương bồi hồi nhớ lại: Trước đây trẻ con trong vùng hiếm khi được đặt chân đến nơi này, vì đây là khu vực cấm. Đổi lại, hằng đêm, bên bếp lửa giữa buôn, lũ trẻ được già làng kể về lịch sử hình thành nên vùng đất Bản Đôn này cũng như huyền thoại về những chuyến săn voi của Gru… 

Y Thu Knul và vợ chụp ảnh lưu niệm cùng khẩu súng do người Pháp tặng - Ảnh chụp lại tại nhà Amí Phương
Y Thu Knul và vợ chụp ảnh lưu niệm cùng khẩu súng do người Pháp tặng - Ảnh chụp lại tại nhà Amí Phương

Từ hàng trăm năm trước, có một người đàn ông từ Lào xuôi thuyền trên dòng Sêrêpốk để buôn bán, gặp một cô gái người M’nông ở đây rồi lấy làm vợ. Ông chọn một cồn đất nổi bên sông Sêrêpốk để dựng nhà, đặt tên là Bản Đon (tiếng Lào nghĩa là làng đảo), về sau mọi người quen gọi là Bản Đôn hay Buôn Đôn. Quá trình sinh sống, họ lần lượt sinh hạ nhiều con, trong đó có Y Thu Knul.

Y Thu Knul (1828 - 1938) là chàng trai dũng mãnh, oai hùng nhất vùng, được người dân kính phục tôn làm tù trưởng vì có công khai khẩn mở đất, lập ra vùng Bản Đôn rộng lớn. Thời ấy, vùng đất Bản Đôn thường có voi rừng đến phá phách ruộng rẫy nên Y Thu nảy sinh ra ý tưởng phải săn bắt và thuần dưỡng những con vật to lớn đó. Thời gian đầu ông đứng ra tổ chức săn bắt và thuần dưỡng voi để làm phương tiện chở gỗ, vận chuyển hàng hóa. Về sau thấy các lái buôn người Lào, Xiêm (Thái Lan), Campuchia đến mua bán, trao đổi hàng thổ sản và ngà voi nên Y Thu đã phát triển nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng với quy mô lớn. Sinh thời, Y Thu săn bắt và thuần dưỡng được hơn 400 con voi. Từ đó, tiếng tăm của ông ngày càng vang xa…

Khi vua săn voi Y Thu mất, nhằm tỏ lòng kính phục, người Pháp đã xây mộ cho ông khang trang ở phía tây làng. Khu vực mộ ông Y Thu sau này được dân làng quy tập thành khu nghĩa trang đặc biệt dành cho “những vị vua voi” của Buôn Đôn. 

Truyền thuyết về bạch tượng

Theo các già làng kể lại, năm 1861, Y Thu săn được một con voi trắng quý hiếm (lông, da voi màu trắng, ngà màu hổ phách). Ông đã mang tặng con voi quý này cho vua Xiêm. Đáp lại, vua Xiêm đã ban tặng cho Y Thu rất nhiều vàng bạc, của cải và phong tặng ông biệt danh là Khunjunop - nghĩa là “vua săn voi”.

Ông Khăm Phết Lào giới thiệu bộ dụng cụ săn bắt, thuần dưỡng voi rừng của Ama Kông.
Ông Khăm Phết Lào giới thiệu bộ dụng cụ săn bắt, thuần dưỡng voi rừng của Ama Kông.

Sau khi vua săn voi Y Thu Knul qua đời, con rể của ông là Y Prông Êban (tên thường gọi Ama Kông) tiếp nối truyền thống của bố vợ với tài nghệ săn voi kiệt xuất. Năm 2012, Ama Kông qua đời ở tuổi 103. Sinh thời, ông có 21 người con, trong đó có ông Khăm Phết Lào (năm nay 63 tuổi, trú tại buôn Ako Tam, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột), con trai thứ 11 của vua săn voi Ama Kông, người may mắn được vài lần cùng cha vào rừng săn voi.

Khăm Phết Lào dẫn chúng tôi tham quan nhà lưu giữ hiện vật săn voi của cha, trong đó có chiếc hũ bằng đất nung phủ màu thời gian. Bên trong là 298 thanh gỗ nhỏ, dài khoảng 10 cm/thanh, bằng chứng thống kê số lượng voi mà Gru Ama Kông đã bắt được. Trong đó có 3 thanh gỗ được khắc dấu khác biệt, thể hiện việc ông đã săn được 3 con voi trắng.

 
“Bạch tượng là loài cực kỳ quý hiếm. Chúng rất thông minh, khó tiếp cận bởi tài ẩn mình trong đàn, và được đàn voi rừng bảo vệ nghiêm ngặt. Bề ngoài, bạch tượng không khác so với voi thường do toàn thân phủ đầy bùn đất. Dấu hiệu duy nhất để nhận biết là đôi mắt màu xanh khác biệt cùng cặp ngà màu hổ phách”.
 
Ông Khăm Phết Lào

Theo ông Khăm Phết Lào, khi phát hiện trong đàn voi rừng có bạch tượng, các Gru phải mất nhiều tháng để theo dõi thói quen, hướng di chuyển của chúng mới định ngày săn voi. Khi đến gần đàn voi rừng, các Gru chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất sử dụng 3-4 voi nhà đánh lạc hướng voi đực ở vòng ngoài. Nhóm thứ hai cưỡi 2-3 voi nhà xâm nhập sâu vào đàn voi nhằm tìm nơi bạch tượng ẩn mình để bóc tách ra khỏi đàn. Kế hoạch thành công là khi bạch tượng bị thòng lọng của thợ săn quăng vào chân sau... Thời điểm này voi rừng trở nên hung tợn, sẵn sàng tấn công bất cứ ai chúng nhìn thấy và cả voi nhà nếu lại gần. Vậy nên, phải nhiều giờ sau khi quần thảo với voi rừng đã mắc phải thòng lọng cho chúng mệt, voi nhà lần lượt tiếp cận, “dẫn độ” đưa về buôn. Mọi kế hoạch phải được Gru vận hành thuần thục, tuyệt đối không để sai sót dù hành động nhỏ nhất.

Theo lời Khăm Phết Lào, trong số  con voi trắng mà bố mình săn được, có một con bị chết yểu khi mới săn về. Hai con bạch tượng quý hiếm còn lại đều được tặng cho những người có quyền uy nhất vào thời đó là vua Bảo Đại và Tổng thống Ngô Đình Diệm. Để xác tín câu chuyện vừa kể, Khăm Phết Lào đi vào phòng lấy một bức ảnh ghi lại cảnh Ama Kông đang làm lễ tặng voi trắng cho Tổng thống chế độ cũ Ngô Đình Diệm vào tháng 1-1961.

Quốc Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.