Nặng lòng với cổ vật Tây Nguyên
Giữa bộn bề cuộc sống, có những người vẫn cần mẫn hằng ngày đi “săn” cổ vật, với mong muốn lưu giữ những giá trị văn hóa của đồng bào Tây Nguyên chứa đựng trong mỗi hiện vật.
Mỗi cổ vật là một câu chuyện văn hóa
Vốn làm nghề buôn bán nông sản, anh Huỳnh Tấn Anh (SN 1972, ngụ buôn Kô Siêr, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) có cơ hội “bén duyên” với cổ vật từ khi còn rất trẻ .
Trong quá trình thu mua nông sản, vào các buôn, vùng dân cư có người Êđê, M’nông, J’rai sinh sống, anh được thấy, rồi nghe kể về những cổ vật truyền từ đời này qua đời khác của họ. Ban đầu anh chỉ cảm thấy thích thú, tò mò vì chưa am hiểu lắm về giá trị tinh thần của các cổ vật, nhưng càng tiếp cận nhiều với đồng bào, đặc biệt là với các già làng, anh càng hiểu hơn và trở nên đam mê nên quyết định bắt tay vào sưu tầm, lưu giữ những đồ vật quý báu này. Với chiếc xe DH88, từ năm 1995 vợ chồng anh bắt đầu rong ruổi khắp mọi nẻo đường đến các thôn, buôn, vừa kết hợp mua nông sản, vừa tìm hiểu, sưu tầm những vật cổ của người Êđê, M’nông, J’rai…
Bộ ché của đồng bào Tây Nguyên lưu giữ tại nhà anh Huỳnh Tấn Anh. |
Anh còn nhớ khi rước chiếc ché đầu tiên về nhà - đó là ché bầu co, thời điểm đó trị giá bằng 10 con heo lớn, bạn bè, người thân ai cũng bảo anh khùng, thậm chí cả bố anh cũng không đồng tình vì niềm đam mê lạ đời của hai vợ chồng. Nhưng anh không vì thế mà nản lòng, trái lại niềm đam mê ngày càng lớn. Đặc biệt, mỗi lần chứng kiến cảnh chủ cổ vật khóc thương, dặn dò, vỗ về, âu yếm chúng như người thân trong nhà, anh lại cảm thấy mình càng phải trân quý những báu vật này hơn. Năm 1998, anh lại rước thêm một chiếc ché quý, đó là ché mẹ ôm con 12 tai, trị giá bằng 6 con bò lớn. Nhiều bạn bè bảo rằng với số tiền đó có thể mua được xe xịn mà đi, chứ rước đồ vật về nhà để làm gì, nhưng anh đều bỏ ngoài tai. Cứ thế, mỗi chuyến đi mua nông sản của vợ chồng anh lại thu thập được thêm những món vật cổ. Anh tâm sự, số lượng ché anh chọn rước về không nhiều, chỉ khoảng 50 chiếc, song mỗi chiếc đều gắn với những câu chuyện của gia chủ, với tập tục văn hóa của cộng đồng buôn làng. Cũng nhờ tìm hiểu rõ về ngọn ngành, nguồn gốc, giá trị tinh thần mà mỗi vật chứa đựng nên kiến thức của anh về phong tục, tập quán của đồng bào Tây Nguyên ngày càng được bồi đắp.
Ngoài những chiếc ché vô giá, vợ chồng anh Tấn Anh còn sở hữu những cổ vật nhỏ như 10 chiếc tô được dùng trong các lễ cúng, hay đơn giản chỉ là những cuộn sợi dệt của người Êđê, cái vòng đeo cổ của voi ở các gia đình quý tộc xưa…
Lưu giữ ký ức đẹp
Hơn 30 năm đam mê sưu tầm, ông Nguyễn Tử Xuyên (TP. Buôn Ma Thuột) hiện đang sở hữu hơn 20.000 hiện vật, đặc biệt là những hiện vật gắn liền với văn hóa Tây Nguyên như chiêng ché, đồ trang sức, đồ đựng lễ cúng… của các dân tộc thiểu số tại chỗ. Mỗi một hiện vật có những giá trị riêng, như đưa người chiêm ngưỡng trở về thời gian, không gian, nơi đã hình thành những đồ vật đó. Như chiếc vòng Công tua của cô gái Êđê, cho người xem liên tưởng đến hình ảnh những cô gái, làm đẹp cho bản thân, trang sức đó phát ra tiếng động như những tiếng nhạc hòa quyện trong đêm hội… Điều tuyệt vời nhất là những cổ vật này còn gắn liền với dòng chảy văn hóa của từng dân tộc. Đơn cử như chiếc gùi, gùi của người M’nông khác với người Giẻ Triêng, J’rai hay Êđê; mỗi một chiếc gùi có những công dụng khác nhau nên được gia công khác nhau: Gùi đi rẫy khác với gùi đi hội, gùi để đựng những vật dụng quý thì lại càng được thực hiện tinh xảo, tỉ mỉ và đẹp mắt…
Ông Nguyễn Tử Xuyên và những chiếc ché sưu tầm được. |
Với ông Xuyên, anh Tấn Anh thì những cổ vật họ đang sử hữu là tài sản vô giá. Họ có một niềm mong ước là làm được một bảo tàng tư nhân trưng bày những hiện vật này để phục vụ miễn phí người dân, khách du lịch tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu. |
Trong kho tàng cổ vật của ông Xuyên hiện có hơn 500 ché các loại, có những loại ché quý mà trước đây phải đổi bằng trâu, thậm chí bằng voi mới có thể sở hữu được. Riêng về chiêng, ông đã sưu tập được gần 50 bộ chiêng hoàn chỉnh của các dân tộc Tây Nguyên. Theo ông Xuyên, chiêng là thứ duy nhất cho đến giờ ông chỉ thu vào chứ không trao đổi. Cần mẫn sưu tầm, ông Xuyên am hiểu rành rọt các hiện vật mình sở hữu, với mỗi vật ông đều có thể chia sẻ về nguồn gốc và công dụng của nó đến với mọi người. Ông Xuyên tâm sự: “Tôi có nhiều năm sống trong buôn với đồng bào dân tộc thiểu số, trong tâm trí luôn in đậm tiếng chày giã gạo, tiếng chiêng của buôn làng, vì vậy, tôi quyết định sưu tầm những cổ vật như một cách để giữ lại những ký ức đẹp của quá khứ, cũng là cách để cho những đồ vật truyền thống của Tây Nguyên không bị mất đi hay quên lãng”.
Ngoài các hiện vật Tây Nguyên, ông còn sưu tầm nhiều đồ cổ khác như những hiện vật thời bao cấp hay các vật dụng qua các thời kỳ như máy hát, điện thoại, tiền cổ… để trao đổi với những người có cùng đam mê hoặc những người có nhu cầu mở quán cà phê độc đáo, lạ. Đặc biệt, năm 2018 ông Xuyên đã hiến tặng 12 hiện vật cho Bảo tàng Đắk Lắk.
Hoàng Tuyết - Mai Sao
Ý kiến bạn đọc