Người "bắt" đá… lên tiếng
Những thanh đá dài ngắn, dày mỏng khác nhau được cắt ra từ khối đá bất kỳ nào đó trong tự nhiên, sau đó sắp xếp chúng lại theo nguyên tắc thang âm nhất định, buộc chúng phải lên tiếng… là một sáng tạo mới nữa của nghệ sĩ Trương Ân (Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk) vào những tháng đầu năm 2019.
Theo nghệ sĩ tài hoa này thì đàn đá đã được người M’nông Gar sử dụng từ rất lâu trong đời sống tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Có điều họ không tự tay chế tác, mà phải tìm kiếm trong vô số phiến đá nằm trong lòng đất hoặc khe suối, rồi chọn ra vài mẫu có tiếng kêu phù hợp, tương ứng với thang âm của dàn chiêng cổ (từ 3 - 7 chiếc) để diễn tấu. Người ta gọi đó là goong lú cổ xưa mà nhà dân tộc học trứ danh người Pháp Georges Condominas đã phát hiện và công bố cách đây gần thế kỷ tại vùng Krông Nô - huyện Lắk ngày nay.
Như vậy đàn đá là nhạc cụ không mới, ở đây nghệ sĩ Trương Ân đã biết kế thừa và sáng tạo thêm theo cách của mình để tham gia biểu diễn cùng với nhiều loại nhạc cụ khác, từ dân gian cho đến hiện đại trong mọi không gian diễn xướng, chứ không nhằm trưng bày, bảo tồn (theo nghĩa bảo tàng) một giá trị văn hóa quá vãng.
Nghệ sĩ Trương Ân với cây đàn đá tự sáng tạo. |
Đàn đá của nghệ nhân Trương Ân gồm 27 thanh đá granit được xếp thành 2 hàng ngang (trên dưới) không đều nhau theo nguyên tắc thang âm từ thấp đến cao, tạo nên quãng âm rộng (trên hai quãng tám) nên có thể độc tấu, song tấu và hòa tấu đều được. Nhạc sĩ Mạnh Trí (Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đắk Lắk) đánh giá, nhờ ưu điểm đó nên đàn đá trên có khả năng đệm và đánh intro, hay chơi một bản concerto hoàn hảo. Minh chứng là vào đầu tháng 7-2019, trong khuôn khổ chương trình “Sắc màu di sản” được UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức tại đô thị cổ Hội An, đàn đá do Trương Ân sáng tạo đã khiến giới sành nhạc nói riêng và công chúng nói chung ngỡ ngàng, thích thú qua tiết mục hòa tấu “Vũ khúc các chàng trai cao nguyên” của Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân và “Vũ khúc hạt mưa” của nhạc sĩ YGim Kbuôl do nhóm nhạc dân gian (Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk) biểu diễn.
Nghệ sĩ Nhân dân YSan Aleô, Trưởng Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk
|
Theo Nghệ sĩ Nhân dân YSan Aleô - Trưởng Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk, đàn đá này là một sáng tạo đáng ghi nhận, bởi nó đã góp phần hiệu quả trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, nhất là diễn xướng vốn âm nhạc dân gian của đơn vị mỗi khi tham gia các chương trình liên hoan, giao lưu văn hóa - nghệ thuật cấp vùng, quốc gia và quốc tế cũng như hoạt động biểu diễn thường kỳ, phục vụ công chúng trên địa bàn tỉnh. Có thêm đàn đá góp mặt trong dàn nhạc dân tộc (bao gồm ching kram, T’rưng, đing păh, đing năm, sáo vỗ và trống H’gơr) đã giúp cho việc dàn dựng các chương trình nghệ thuật của Đoàn trở nên sinh động, phong phú và có sức lan tỏa hơn.
Quả đúng như vậy, nếu ai có dịp thưởng thức chương trình biểu diễn của nhóm nhạc dân gian - Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk, hẳn không thể không ấn tượng và lôi cuốn với nhiều giai điệu hòa tấu đậm chất đại ngàn qua bàn tay “ma mị” của các nghệ sĩ (Phạm Đức Hoàng - trống H’gơr; Cao Hữu Phê (đing păh), Y Hoách (ching kram), Ka Thin (đàn T’rưng trầm), H’Ngơn Niê (T’rưng bổng), Y Cel (sáo vỗ) và Y Nin Niê với đàn đá đầy mới lạ). Hy vọng phiên chế và chương trình biểu diễn nghệ thuật của nhóm nhạc này sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa tại những “sân chơi” được tổ chức trong nước và quốc tế.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc