Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo đàn Violin... bằng tre

09:46, 14/02/2020

Không chỉ chế tác được các nhạc cụ dân tộc truyền thống của Tây Nguyên mà thầy giáo Nguyễn Trường (nguyên giảng viên âm nhạc Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk) còn sáng chế ra được loại nhạc cụ mới, đó là đàn Violin bằng tre (hay còn gọi là Viokram, chữ kram trong tiếng Êđê gọi là tre) rất độc đáo.

Sau khi tốt nghiệp Trường Quốc gia âm nhạc tại Huế (nay là Học viện Âm nhạc Huế) vào năm 1980, thầy Nguyễn Trường lên Đắk Lắk sinh sống, làm việc. Trải qua nhiều vị trí công tác như: giảng dạy âm nhạc dân gian Tây Nguyên, dạy Violin bậc sơ trung hệ 7 năm, hơn 30 năm làm công tác quản lý, đào tạo tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk, thầy rất có lợi thế về việc thẩm thấu âm thanh, am hiểu về nhạc lý, ký - xướng âm…

Vận dụng những kiến thức đó, cùng với sự đam mê về âm nhạc, nhạc cụ dân gian truyền thống tại Tây Nguyên, sau khi nghỉ hưu, thầy Trường đã dành toàn bộ thời gian để nghiên cứu, sưu tầm, chế tác và đặc biệt là sáng chế ra các loại nhạc cụ dân gian từ tre nứa. Không chỉ chế tác và chơi được nhạc cụ dân gian, thầy còn có thể chơi được cả những nhạc cụ có xuất xứ từ phương Tây như đàn Violin, đàn Mandolin… Chính vì vậy, sự hòa quyện của những loại nhạc cụ này đã giúp thầy có nhiều ý tưởng để làm ra nhạc cụ mới. Vừa qua, thầy đã chế tác thành công chiếc đàn Viokram bằng chất liệu tre, nứa, đây là loại nhạc cụ độc đáo kết hợp giữa âm nhạc phương Tây, cảm hứng từ chiếc đàn violon và nhạc cụ dân gian Tây nguyên .

Thầy Nguyễn Trường tỉ mỉ từng công đoạn sáng chế đàn Viokram.
Thầy Nguyễn Trường tỉ mỉ từng công đoạn sáng chế đàn Viokram.

Thầy Nguyễn Trường cho biết, đa số các nhạc cụ dân gian truyền thống của vùng Tây Nguyên đều được các nghệ nhân chế tác từ vật liệu tre, nứa như đàn T’rưng, Đing Clé, sáo vỗ, đing năm… Tuy nhiên, những nhạc cụ này không phong phú về cao độ và hạn chế về phương pháp diễn tấu. Xuất phát từ ý tưởng bổ sung thêm một âm sắc mới cho dàn nhạc truyền thống Tây Nguyên, thuận tiện trong các buổi sinh hoạt văn hóa dân gian, để các nhạc cụ trong dàn nhạc dân gian mang tính đồng nhất về chất liệu chính là tre, nứa… thầy đã sáng chế ra đàn Viokram. Nhạc cụ này có thanh âm trong trẻo với âm thanh mộc được thoát âm từ ống tre, mang đến tiếng gió rừng vi vu, tiếng suối reo róc rách và cả tiếng sáo tiêu trầm bổng... Về tính năng, Viokram có thể sử dụng để độc tấu, hòa tấu với đầy đủ tính năng của một nhạc cụ phương Tây, đáp ứng nhu cầu của những người đam mê âm nhạc dân gian, âm nhạc cổ điển. Các nhạc công có thể biến tấu, phô trương kỹ thuật và kỹ xảo khi diễn tấu. Về sắc thái và trường độ, nhạc cụ này giải quyết được âm thanh to, nhỏ, âm ngân kéo dài trường độ trong các tác phẩm âm nhạc truyền thống một cách thuận lợi, dễ dàng, điều mà trước đây, các nhạc cụ tre, nứa khác phải sử dụng kỹ thuật tremolo vẫn bị độ ngắt quãng không liền âm.

 
“Chiếc đàn Viokram do thầy Nguyễn Trường sáng chế rất đặc biệt, nó có thể hòa cùng với các nhạc cụ phương Tây cũng như nhạc cụ Tây Nguyên, có thể đệm cho bất kỳ một ca khúc nào. Hy vọng nó sẽ được bổ sung vào kho tàng nhạc cụ dân gian của Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung; góp phần bảo tồn âm nhạc dân gian truyền thống”.
 
 Nghệ sĩ Nhân dân Y San Alio , Trưởng đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk

Thầy Trường đã nghiên cứu sáng chế đàn Viokram cho phù hợp với người Tây Nguyên. Nếu chiếc đàn Violin truyền thống cổ điển được làm bằng chất liệu lõi thân cây gỗ sồi khó kiếm ở Việt Nam mà giá thành lại cao thì đàn Viokram được làm từ tre, nứa… rất gần gũi với người Việt, dễ kiếm và chi phí rẻ. Đàn Viokram cũng có nhiều kích cỡ khác nhau, người lớn và trẻ em đều có thể dùng được, có thể dùng để chơi solo hoặc kết hợp thành một dàn nhạc.

Thầy Trường chia sẻ, để làm ra được cây đàn Viokram đòi hỏi sự tỉ mỉ vô cùng, chính xác đến từng milimet; các vị trí đục, đẽo của đàn được cân chỉnh từng ly. Nếu bị sai chỉ 1/10 mm thì chiếc đàn ấy trở nên bị “điếc”, không phát ra âm thanh… Quan trọng nhất trong quá trình chế tác vẫn là sự tinh tế để có thể giúp cây đàn đạt đến “độ hay” nhằm đưa vào sử dụng hay biểu diễn. Khi sáng chế đàn, bên cạnh yếu tố dân gian, thầy còn áp dụng công nghệ để cải tiến nhạc cụ cho phù hợp, như lắp thêm bộ EQ trong cây đàn để tăng thêm hiệu ứng âm thanh. Cứ cần hoàn chỉnh thêm khâu nào thì thầy lại tìm hiểu và mày mò nghiên cứu thêm chi tiết và kỹ thuật của khâu đó. Đến nay, thầy đã chế tác được khoảng 10 chiếc đàn Viokram và chuẩn bị giới thiệu ra công chúng.

Thầy Nguyễn Trường và học sinh biểu diễn đàn Viokram.
Thầy Nguyễn Trường và học sinh biểu diễn đàn Viokram.

Ngoài việc sáng tác, chế tác nhạc cụ, thầy Nguyễn Trường cũng truyền dạy âm nhạc dân gian cho thế hệ trẻ ở mọi lứa tuổi. Với thầy, việc phổ biến và truyền dạy âm nhạc truyền thống Tây Nguyên như một niềm đam mê, bởi chỉ có tình yêu với âm nhạc mới có thể vượt qua được mọi khó khăn để thành công, nó như một mảng ghép trong bức tranh muôn màu của cuộc sống.

Ánh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.