Nghệ nhân người Ba Na nặng lòng với cồng chiêng
Là người dân tộc Ba Na, nghệ nhân A Biu (SN 1958, trú tỉnh Kon Tum) không chỉ am hiểu vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình, mà con nghiên cứu và truyền dạy cho thế hệ trẻ văn hóa của nhiều dân tộc khác trên mảnh đất Tây Nguyên, đặc biệt là diễn tấu cồng chiêng.
Nghệ nhân A Biu là một trong 3 nghệ nhân truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số (DTTS) tại Trường Đại học Tây Nguyên vào tháng 9-2019. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tuyết Nhung Buôn Krông (Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn - Trường Đại học Tây Nguyên) cho biết, lớp có 80 em tham gia, thuộc nhiều dân tộc khác nhau. Với vốn kiến thức phong phú về chiêng của người Ba Na nói riêng và chiêng của những dân tộc khác nói chung, nghệ nhân A Biu có nhiều thuận lợi trong việc truyền dạy cho các em.
Nghệ nhân A Biu (ngoài cùng bên phải) cùng học viên diễn tấu cồng chiêng. |
Đặc biệt, với tấm lòng nhiệt huyết của một nghệ nhân, luôn muốn truyền dạy cho thế hệ trẻ nét văn hóa độc đáo của các dân tộc, ông không quản ngại đường sá xa xôi vất vả, cứ vào cuối tuần lại bắt xe khách từ Kon Tum qua Đắk Lắk để dạy cho các em. Đối với ông, chỉ cần thấy các bạn trẻ hào hứng, chịu khó học hỏi là mọi vất vả đều tan biến. Sau khi lớp học kết thúc, các em đã biết đánh 3 loại chiêng: Chiêng tre của người Êđê, chiêng đồng của người Êđê, chiêng đồng của người Ba Na và diễn tấu một số bài chiêng thông dụng. Từ đó, các em không chỉ lưu giữ được nét văn hóa truyền thống mà còn tự tin, tham gia vào các hoạt động của trường. Đó chính là thành công lớn nhất của người truyền dạy.
Nghệ nhân A Biu chia sẻ: “Tiếng chiêng muốn vang phải thế nào, muốn rền phải ra sao thì người chỉnh chiêng không chỉ nắm vững về kỹ thuật chỉnh mà còn phải làm bằng tình yêu, sự đam mê với chiêng. Bởi chỉ có tình yêu chiêng đắm say mới làm sống dậy được hồn chiêng, tạo nên sự độc đáo, khác biệt trong mỗi dáng hình, giọng điệu của chiêng...”. Được biết, ngay từ nhỏ ông đã được theo cha đi nhiều lễ hội, nghe cha đánh cồng chiêng nên tự mày mò học và đam mê cồng chiêng lúc nào không hay. Cho đến khi lấy vợ ở riêng, niềm đam mê ấy vẫn âm ỉ, dù kinh tế khó khăn nhưng ông vẫn giấu vợ, bán bò đi để mua được bộ chiêng quý và sưu tập thêm nhiều loại khác.
Nghệ nhân A Biu còn có khả năng chơi nhiều loại nhạc cụ dân tộc, vừa có thể chơi tân nhạc, sáng tác nhạc và vừa biết chỉnh chiêng. Nhờ nhiều năm tìm hiểu, miệt mài nghiên cứu, ông còn có khả năng thẩm âm, nắm nhịp và chỉnh chiêng, hiểu rõ nhiều loại chiêng khác nhau. |
Hiện ngôi nhà của gia đình nghệ nhân A Biu như một bảo tàng cồng chiêng thu nhỏ, chiêng được treo ở khắp mọi nơi. Khách đến nhà không chỉ được thỏa trí tò mò về những bộ chiêng, mà còn được nghe tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang. Một trong những bộ chiêng quý được trưng bày trong nhà có tên là Klang Brông (còn gọi là chiêng Đại Bàng). Đây là một trong “tứ đại kỳ chiêng” vô cùng quý của người Ba Na. Bộ chiêng này có 12 lá; trong đó, chiêng cái hay còn gọi là chiêng mẹ dày và nặng khoảng 12 kg, được gò đồng với vân nổi khắc trên mặt chiêng giống cánh chim đại bàng đang xòe rộng, đánh một tiếng nghe rung đều, âm vang khắp không gian. Tùy từng bài và cảm xúc của người đánh mà thanh âm có độ nhạy khác lạ, khi nghe như tiếng thác chảy ầm ầm, khi khô lạnh như nước rơi vào đá, khi tí tách như tiếng chim chuyền cành trên cây khô… Những âm thanh đó chính là hồn chiêng và là điều mà nghệ nhân A Biu gìn giữ.
Nghệ nhân A Biu đánh cồng chiêng nhân lễ bế mạc lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho học sinh, sinh viên người DTTS tại Trường Đại học Tây Nguyên. |
Để tiếng chiêng và hồn chiêng được ngân mãi, nghệ nhân A Biu đã truyền dạy chiêng cho các em học sinh ở các trường, thanh thiếu nhi các làng trên địa bàn tỉnh. Không chỉ dạy thực hành, ông còn còn tỉ mỉ giảng giải về cội nguồn và vẻ đẹp của văn hóa cồng chiêng, giúp thế hệ trẻ ý thức bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nghệ nhân A Biu luôn hy vọng rằng, các thế hệ trẻ sẽ đam mê chiêng, yêu chiêng và gìn giữ chiêng như cha ông của họ. Đây là lý do và là nguồn động lực để ông giữ lửa chiêng, nhiệt huyết truyền dạy cồng chiêng cho con cháu cũng như các học sinh của mình.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc