Multimedia Đọc Báo in

Về Vụ Bổn nghe quan họ

09:36, 16/02/2020

Có chung niềm đam mê ca hát quan họ, năm 2017, một số người cao tuổi ở xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) đã bàn nhau thành lập Câu lạc bộ (CLB) Văn thể Hội Người cao tuổi xã Vụ Bổn. Từ đó, CLB đã trở thành điểm đến quen thuộc của những người có chung sở thích và đam mê hát quan họ.

Ban đầu các thành viên trong CLB chủ yếu là những người có quê gốc ở Bắc Ninh, Bắc Giang là cái nôi của dân ca quan họ. Dần dà, một số người ở những vùng quê khác như Nghệ An, Hà Tĩnh… cũng tham gia sinh hoạt. Đến nay, CLB có 20 thành viên hoạt động rất sôi nổi, tích cực.

Vợ chồng bà Phan Thị Nguyên, Chủ nhiệm CLB Văn thể trong một buổi tập.
Vợ chồng bà Phan Thị Nguyên, Chủ nhiệm CLB Văn thể trong một buổi tập.

Đều đặn hai tuần một lần, dù trời mưa hay nắng, các thành viên đều tập trung đông đủ tại nhà bà Phan Thị Nguyên (thôn Thăng Quý) tập luyện. Không có biên đạo múa, cũng không thầy hướng dẫn hát, CLB chủ yếu học hát theo băng đĩa. Người biết nhiều chỉ cho người biết ít. “Những bài hát quan họ như ngấm vào máu, cứ hát lên là thấy đời sống tinh thần phong phú. Từ khi CLB được thành lập, cùng các anh, chị em tập hát, đi biểu diễn các nơi chúng tôi thấy cuộc sống tuổi già thêm ý nghĩa...”, bà Phan Thị Nguyên, chủ nhiệm CLB chia sẻ.

Các thành viên của CLB trong buổi tập.
Các thành viên của CLB trong buổi tập.

Chỉ mới tham gia CLB được hơn một năm, nhưng với bà Phạm Thị Diếp (ở thôn 15), CLB như ngôi nhà thứ hai giúp bà sống vui khỏe với tuổi già. Bà Diếp vui vẻ nói: "Mình thấy tuổi già dường như vẫn chưa đến, lại thấy như tươi trẻ, vui khỏe ra rất nhiều từ khi sinh hoạt tại CLB này. Hoạt động CLB không chỉ có riêng hát quan họ mà còn hát chèo, hát dân ca Bắc Bộ, tập dưỡng sinh. Mỗi khi hát lên làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào như bài “Tương phùng tương ngộ”, “Hoa thơm bướm lượn”, “Cây trúc xinh”, “Còn duyên”… giúp chúng tôi nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương...".

Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.