Vùng biển Thạnh Hải và những chuyến tàu không số huyền thoại
Chúng tôi về biển Cồn Bửng thuộc xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) trong những ngày đầu năm 2020.
Trời nắng đẹp và gió biển lồng lộng, con đường nhỏ hẹp năm nào đã được mở rộng phẳng lì cùng với nhiều chiếc cầu kiên cố làm tăng thêm nét duyên và sức hấp dẫn của vùng biển nổi tiếng với những chiến tích anh hùng, đặc biệt là câu chuyện bi hùng của những chuyến tàu không số mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc.
Chúng tôi đến thăm Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia "Đường Hồ Chí Minh trên biển" tọa lạc tại ấp 2 (Cồn Bửng), xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú. Được khởi công từ năm 2017 và dự kiến hoàn thành vào năm 2020, Khu di tích lịch sử này có diện tích xây dựng trên 635 ha với kinh phí trên 1.500 tỷ đồng, với nhiều hạng mục nhắc nhớ về những chuyến tàu không số tải vũ khí từ Bắc vào Nam trong kháng chiến chống Mỹ.
Chúng tôi đứng thật lâu trước Tượng đài trung tâm của quảng trường khu di tích; chụp ảnh bên những phiến đá khổng lồ ghi lại dấu ấn lịch sử của một số cơ quan của Tỉnh ủy Bến Tre xưa như: Nhà in, xưởng vũ khí, Ban Giáo dục, Trường Đảng…, cạnh đó là những câu chuyện bi hùng của các chứng nhân trên những con tàu huyền thoại.
Biển Cồn Bửng hôm nay. |
Ông Trần Văn Rừng, nguyên phụ trách Công an du kích bến tàu Thạnh Hải những năm 1960 nhớ như in chuyện những con tàu “ma” cập bến Thạnh Hải làm kẻ thù kinh ngạc và khiếp sợ. Ông Rừng kể: “Đây là vùng đất cuối cùng của dãy cù lao Minh, là một vùng đất đứng mũi chịu sào, từng nếm trải bao cuộc càn quét đẫm máu của giặc, nhưng vẫn đứng vững, không hề nao núng.
Chính vì vậy, ngay thời kháng Pháp, rồi đến chống Mỹ, cách mạng đã chọn Thạnh Phong (nay đã chia thành hai xã Thạnh Phong và Thạnh Hải) làm căn cứ địa và là một trong những bến đến của "Đường Hồ Chí Minh trên biển". Năm 1963 Thạnh Phong là điểm xuất phát và tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam lần đầu tiên; tiếp đó là những chuyến tàu kế tiếp do nhiều thuyền trưởng chỉ huy như: Nguyễn Văn Khước, Lê Minh Đào, Nguyễn Văn Phối, Lê Công Cẩn (Lê Công), Nguyễn Sơn (Sơn ớt)… Tổng cộng đã có 28 chuyến vận chuyển vũ khí cập bến Thạnh Phong trót lọt, nhưng cũng có một chuyến bị địch phát hiện bao vây, tấn công buộc ta phải đánh chìm tàu để vũ khí không rơi vào tay giặc. Cũng đã có những thuyền trưởng, thuyền viên đã anh dũng hy sinh tại bến tàu Thạnh Phong ác liệt này mà đến nay vẫn chưa tìm thấy xác”.
Khu di tích lịch sử “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. |
Ông Võ Văn Hải (80 tuổi) từng tham gia vận chuyển vũ khí trên những chuyến tàu không số cũng bồi hồi nhớ lại: “Hồi đó vùng này giao tranh ác liệt lắm, chết chóc cũng nhiều lắm, cứ vài hộ là đã có gia đình liệt sỹ, thương binh, người có công với nước. Gian khổ là vậy nhưng người dân ở đây luôn một lòng theo Đảng, Bác Hồ, bảo vệ an toàn hàng chục chuyến tàu chở vũ khí từ miền Bắc vào chi viện chiến trường miền Nam”. Ở một quán nước dừa ven đường đối diện khu di tích, cô chủ quán cũng vui vẻ góp chuyện: “Từ khi có khu di tích này, du khách tới đây tăng gấp chục lần. Ai cũng muốn vào đây tham quan những di tích lịch sử, nghe kể về những chuyến tàu không số huyền thoại. Đến giờ, rất nhiều người vẫn không thể hình dung nổi ngày xưa các chiến sĩ cách mạng làm sao có thể chở súng đạn vào đây trên những chiếc tàu quá thô sơ đến vậy? Họ quả là những người quá phi thường và đặc biệt”.
Chia tay vùng biển Thạnh Hải, chúng tôi mang theo cả niềm khâm phục vô cùng những con người quê biển chân chất đã viết nên những câu chuyện huyền thoại nhưng có thật giữa đời thường đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa; đi vào lịch sử đấu tranh giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Phan Thị Anh Thư
Ý kiến bạn đọc