Lưu giữ nghề dệt truyền thống của người M'nông
Dệt vải được xem là một trong những nghề thủ công mang đậm nét văn hóa đặc trưng của dân tộc M’nông ở Krông Bông mà ngày nay còn rất ít người lưu giữ được nghề truyền thống này.
Buôn Ja, xã Hòa Sơn là một trong những buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc. Toàn buôn có 187 hộ, hơn 800 khẩu, trong đó đa phần là đồng bào dân tộc M’nông.
Theo Bí thư Chi bộ buôn Ja Y Khiên Liêng thì hiện trong buôn có khoảng 30 người biết dệt vải, nhưng không phải ai cũng dệt thường xuyên. Để lưu giữ được nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, bản thân ông Y Khiên đã chủ động tuyên truyền, vận động bà con dạy lại nghề dệt vải thổ cẩm cho con cháu. Đồng thời, ông cũng tích cực phối hợp với ngành Văn hóa và chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đặc trưng dân tộc M’nông nhằm giáo dục tình yêu cội nguồn cho lớp trẻ. Cũng theo ông Y Khiên, một trong những tay dệt lành nghề của buôn Ja phải kể đến chị H’Thu Liêng. H’Thu biết dệt vải từ thuở thiếu thời.
Chị H’Thu Liêng là một trong số ít người dệt vải thuần thục ở buôn Ja, xã Hòa Sơn. |
Hiện nay, người dân trong buôn không còn sử dụng vải thổ cẩm phổ biến trong may mặc, nhưng chị vẫn đều đặn dệt vải, chỉ khi nào quá bận chị mới không dệt. Vải thổ cẩm được chị dùng trong gia đình, biếu, tặng khách quý hoặc bán để kiếm thêm thu nhập. Đối với chị H’Thu, lưu giữ nghề dệt vải không chỉ giữ được nét đẹp văn hóa của dân tộc mình mà còn là một trong những nghề tiềm năng trong tương lai nếu buôn phát triển về lĩnh vực du lịch.
"Cuối năm 2018, Đoàn khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khảo sát tiềm năng du lịch cộng đồng tại buôn Ja, xã Hòa Sơn. Nếu được kêu gọi đầu tư thì có thể mở ra một hướng đi mới cho các sản phẩm truyền thống tại địa phương, trong đó có thổ cẩm".
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Bông Phạm Đình Tấn
|
Buôn căn cứ cách mạng Đắk Tuôr (xã Cư Pui) cũng có nhiều đồng bào M’nông sinh sống, chính quyền địa phương từ xã đến buôn đều dành nhiều tâm huyết cho công tác gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Theo Trưởng buôn Đắk Tuôr Y Thu Niê thì hiện nay trong buôn Đắk Tuôr vẫn còn nhiều người giữ được nghề dệt vải, như bà H'Yan Byă, H'Luôn Byă...
Đặc biệt là bà H’Pêl Niê năm nay đã tròn 95 tuổi, nhưng ngày ngày vẫn cần mẫn ngồi bên khung dệt vải thổ cẩm để phục vụ cho gia đình. Bà H’Pêl đã dệt vải thành thục khi mới 15 tuổi. Những tấm vải bà H’Pêl dệt được dùng làm địu, làm chăn, may quần áo, khăn… cho gia đình, thậm chí là làm của hồi môn, lễ vật trong các đám cưới, lễ hội của buôn làng.
Bà H’Pêl cho biết, ngày xưa, để dệt được những tấm vải thổ cẩm rất kỳ công vì phải vào rừng lấy vỏ cây, lấy bông gòn rừng về se thành sợi rồi mới nhuộm màu và dệt. Ngày nay, nguyên liệu để dệt vải cũng dễ kiếm hơn, không cần vào rừng mà chỉ cần ra chợ là có thể mua được sợi vải đủ thứ màu sắc. Thậm chí hiện nay vải thổ cẩm còn được dệt bằng máy một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, độ đẹp thì không thể nào qua được những sản phẩm thủ công. Những tấm vải do bà H’Pêl dệt được đánh giá là đẹp nhất, nhì buôn nên nhiều du khách thập phương hoặc người dân trong buôn cần để biếu ai đều đến đặt hàng của bà.
Bà H’Pêl Niê ở buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) dạy con cháu cách dệt vải thổ cẩm truyền thống của dân tộc M'nông. |
Chủ tịch UBND xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm chia sẻ, để bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc M’nông cũng như những nét văn hóa đặc trưng khác, UBND xã Cư Pui đã xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn, qua đó đề ra những giải pháp cơ bản về cơ chế chính sách, về vốn, kỹ thuật, hỗ trợ tìm đầu ra trên thị trường cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương trong đó có dệt thổ cẩm…
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc