Multimedia Đọc Báo in

Ở nơi đầu thung lũng…

08:34, 25/03/2020
Không thuộc dạng lâu đời nhất, nhưng lại lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống của người Êđê ngay trong lòng TP. Buôn Ma Thuột, buôn Akô Dhông hiện diện giữa cuộc sống hiện đại hối hả, có phần xô bồ này theo một cách rất riêng: cổ xưa mà hiện đại, hài hòa và sâu sắc của mối quan hệ gìn giữ - phát triển…

"Akô Dhông" theo tiếng Êđê có nghĩa là "đầu thung lũng". Đối với người Êđê, đầu thung lũng là chốn thiêng, là nơi cực kỳ quan trọng, đấy cũng là nơi có đầu nguồn nước - là mạch nguồn của cuộc sống.

Một trong những người đầu tiên có mặt, lập buôn và đặt tên Akô Dhông – già Ama H’Rin nay đã về thế giới bên kia, nhưng những lời căn dặn của ông luôn được người dân buôn làng trân trọng, làm theo: không một ai nghĩ đến việc sẽ xóa bỏ nhà dài, hay quên đi nghề truyền thống; con gái của buôn vẫn học dệt, con trai vẫn học đánh cồng chiêng, học cách làm rượu cần…

Nếp nhà dài truyền thống ở buôn Akô Dhông.
Nếp nhà dài truyền thống ở buôn Akô Dhông.

Nghệ nhân ưu tú Ama H’Loan là người nhập cư muộn, song ông cũng đã yêu và coi Akô Dhông là quê hương thứ hai của mình. Chính già Ama H’Rin đã “kéo” ông về định cư ở đây với mong muốn ông tiếp tục "truyền lửa" niềm đam mê cồng chiêng, chế tác nhạc cụ, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của buôn làng.

 
“Buôn Akô Dhông có 278 hộ, 1.050 nhân khẩu, trong đó có 63 hộ dân tộc thiểu số (305 khẩu). Trong buôn không có hộ nghèo, những hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm ngày càng nhiều. Kinh tế phát triển, bà con càng chú trọng đến đời sống tinh thần. Khi mỗi người tự nhận thức được giá trị văn hóa chính là máu thịt, là nguồn cội thì sẽ biết cách gìn giữ, bảo tồn, phát huy và nâng tầm giá trị đó lên…”.
 
Buôn trưởng buôn Akô Dhông  Y Pun Niê Bing

Nghệ nhân ưu tú Ama H’Loan cho hay: Với người Êđê, ngôi nhà dài tượng trưng cho văn hóa, là trái tim, máu thịt, là điều gần gũi mà thiêng liêng của dân tộc mình. Ngôi nhà dài không chỉ là nơi sinh hoạt của gia đình mà còn là không gian của văn hóa, của các nghi lễ… Đã có thời điểm đời sống của bà con buôn Akô Dhông giàu lên nhờ trồng cà phê, nhiều người tính đến chuyện phá bỏ ngôi nhà dài để xây nhà hiện đại. Trước thực tế đó, già Ama H’Rin đã bàn với chính quyền buôn xây dựng hương ước, quy ước, quy định: hộ nào xây dựng nhà mới theo phong cách hiện đại đều phải làm phía sau lưng ngôi nhà dài truyền thống. Nhờ thế cho dù trong buôn Akô Dhông hiện nay có nhiều ngôi nhà kiên cố được xây dựng, nhưng mái nhà xưa vẫn còn đó, là nhân chứng ghi lại dấu tích của cha ông.

Còn chị H’Len Niê, chủ quán cà phê Arul – một người con của buôn Akô Dhông chia sẻ: "Với mong muốn bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, tôi đã đã biến ngôi nhà dài của gia đình thành một không gian thi vị, độc đáo". Theo đó, trong ngôi nhà dài cổ, chị H’Len sắp xếp, trưng bày các vật dụng sinh hoạt như chiêng, ché, ghế kpan, trống hgơr, thuyền độc mộc, gùi, trang phục truyền thống, các loại nhạc cụ dân tộc. Bên cạnh đó, chị còn dựng lên một không gian mở theo hình dáng của ngôi nhà dài để phục vụ du khách thưởng thức cà phê. Với chị, cách hiệu quả nhất để gìn giữ văn hóa của ông cha, chính là mỗi người con của dân tộc ấy phải tự mình bảo tồn và phát huy nó.

Biểu diễn cồng chiêng được Khu  du lịch  sinh thái Akô Ea (buôn Akô Dhông)  khai thác phục vụ  du khách.
Biểu diễn cồng chiêng được Khu du lịch sinh thái Akô Ea (buôn Akô Dhông) khai thác phục vụ du khách.

Nhờ sự trân quý, cùng sự nỗ lực của từng người con buôn làng mà Akô Dhông hôm nay vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống. Ngoài những nếp nhà dài, các sinh hoạt văn hóa dân gian, lễ hội, diễn tấu cồng chiêng, kể khan, dệt thổ cẩm, ủ rượu cần… cùng lối sống chan hòa, bình dị, giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ vẫn được người dân lưu giữ và hiển hiện một cách rõ nét. Và chính những điều mộc mạc đời thường ấy lại là nét duyên văn hóa để mời gọi những ai yêu mến tìm đến.

Chị Nguyễn Đỗ An, du khách đến từ Đà Nẵng cho biết, đây là lần thứ ba chị đến Đắk Lắk và lần nào chị cũng đều tìm đến buôn Akô Dhông, bởi khung cảnh hữu tình với nét đẹp tự nhiên, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người Êđê.

Lan Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.