Tiếng tính, điệu then trên cao nguyên
Ở thôn Ea Kanh (xã Dliê Ya, huyện Krông Năng) anh Nông Văn Tân được nhắc đến như một nghệ nhân, bởi dù tuổi đời còn trẻ nhưng anh vẫn "giữ lửa" cho tiếng đàn tính, điệu hát then trên vùng quê mới.
Theo gia đình vào Đắk Lắk sinh sống đã hơn 30 năm, dù chưa một lần về thăm quê Cao Bằng, nhưng anh Tân vẫn có thể chơi thành thạo đàn tính và hát then. Đó là kết quả của cả một quá trình rèn luyện miệt mài. Anh Tân sinh năm 1987, ngay từ khi còn nhỏ, được nghe bố và chú đánh đàn tính, hát then anh đã chăm chú tìm hiểu.
Rồi qua những buổi lễ hội, đám cưới trong làng xóm, giai điệu và âm thanh của lời hát then, nhịp tính tẩu dần được anh đón nhận một cách tự nhiên. Anh xúc động tâm sự rằng, khi bố mất, anh cảm thấy trống trải, hụt hẫng vô cùng, nhờ có cây đàn tính, điệu hát then giúp anh tìm lại hình bóng của bố, vơi bớt nỗi buồn. Vì vậy, anh quyết tâm học chơi đàn tính, hát then thật giỏi, đó không chỉ là đam mê mà còn giúp anh lưu giữ được kỷ niệm với người thân, giữ gìn bản sắc quê hương.
Anh Nông Văn Tân cùng vợ trình diễn hát then, đàn tính. |
Anh Tân cho hay, ngày xưa chưa có nhiều phương tiện thông tin như bây giờ nên anh thường nghe đài, thu băng cát sét những làn điệu tính tẩu và hát then để học theo. Lúc mới học hát then rất khó thuộc, vì mỗi bài lại có cách hát, luyến láy, nhịp điệu khác nhau, nhưng khi đã quen rồi thì cảm thấy dễ. Đến năm 2008, hầu như anh đã thuộc hết các làn điệu trong hát then. Không chỉ có then mới, anh Tân còn có thể hát được nhiều bài then cổ, tự viết lời bài hát mới ca ngợi quê hương, đất nước, Bác Hồ...
Từ đam mê đến nhiệt huyết, anh Tân cùng người bạn thành lập Câu lạc bộ (CLB) Tiếng tính quê hương nhằm tập hợp những người cùng đam mê đàn tính, hát then ở trong thôn, xã để sinh hoạt, trao đổi kỹ năng. Hiện nay CLB có khoảng 20 thành viên trong độ tuổi từ 17 đến 50, sinh hoạt mỗi tháng một lần. Không chỉ thường xuyên tham gia biểu diễn tại các buổi văn nghệ, giao lưu, lễ hội, CLB còn tham dự và đoạt giải tại nhiều hội thi các cấp. Đó chính là sự động viên lớn nhất cho những cố gắng gìn giữ văn hóa hát then, đàn tính của anh Tân và các thành viên trong CLB. Nhìn lại những gì đang có, anh Tân không quên những ngày đầu đi vận động với số thành viên ít ỏi, vậy mà đến nay số thành viên không ngừng tăng lên, ủng hộ cả về tinh thần và vật chất để CLB có điều kiện hoạt động.
Xác định hát then mang tính truyền miệng, dễ bị mai một, nên anh Tân rất coi trọng việc giữ gìn, truyền dạy những làn điệu then cho lớp trẻ, bỏ công sức đi khắp nơi sưu tầm những làn điệu then cổ, then hay về truyền dạy. Vào dịp hè, anh thường xuyên mở các lớp miễn phí truyền dạy đàn tính, hát then cho tất cả những người yêu thích, được rất nhiều người ủng hộ. Không chỉ ở trong thôn, xã mà nhiều bạn trẻ, anh chị, cô chú ở những huyện xa, thậm chí từ Đắk Nông cũng sang đăng ký theo học, anh chỉ tiếc mình không có nhiều thời gian để truyền dạy cho tất cả mọi người.
CLB Tiếng tính quê hương trình diễn hát then, đàn tính. |
Cùng với biết chơi đàn tính, hát then, anh Tân còn biết chế tác đàn tính; hầu hết những cây đàn sử dụng trong CLB đều do anh tự làm. Không chỉ những người chơi đàn trong thôn, xã, các vùng lân cận mà có cả những người chơi đàn từ ngoài quê cũng tìm đến anh đặt hàng.
Tình yêu văn hóa truyền thống của anh Tân luôn được người bạn đời - chị Trần Thị Thuyết nhiệt tình hưởng ứng. Chị Thuyết cho biết, thời gian đầu chị hầu như không biết gì về loại hình nghệ thuật này, nhưng nhờ chồng động viên tham gia CLB và chỉ dạy tận tình, dần dần chị đã có thể biểu diễn một cách thuần thục. Sau những giờ bận bịu mưu sinh, cả gia đình lại ngân vang tiếng đàn điệu hát, như một sợi dây kết nối tình cảm gia đình thêm gắn bó và hạnh phúc.
Dù chỉ mới qua tuổi 30, nhưng những gì anh Tân đang cố gắng gìn giữ, vun đắp cho tiếng đàn tính, điệu hát then thật đáng trân trọng. Hy vọng với sự nỗ lực của anh và CLB Tiếng tính quê hương, tiếng đàn tính, làn điệu then sẽ mãi ngân vang...
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc