Nghĩa đồng bào…
Chấp hành nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, người dân hạn chế ra khỏi nhà. Dù không tưng bừng, sôi nổi các hoạt động, nhưng Lễ Giỗ Tổ không vì thế mà mất đi sự trang nghiêm, thiêng liêng. Mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, từ trong sâu thẳm trái tim, tâm thức, dù đi đâu, ở đâu, mỗi người Việt cũng luôn hướng về nguồn cội, quê hương, bản quán. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành nét văn hoá, nhắc nhở con cháu muôn đời khắc cốt ghi tâm về mạch nguồn xứ sở. Chẳng cứ phải mâm cao cỗ đầy, chỉ cần thắp một nén nhang lên ban thờ hay tâm bái, vọng tưởng đến gia tiên, quốc tổ cũng đủ thể hiện lòng thành kính. Treo lá cờ Tổ quốc trước nhà cũng là cách nhiều gia đình lựa chọn để bày tỏ lòng biết ơn, sự tri ân đối với công lao của cha ông trong ngày Giỗ Tổ.
Nghi thức dâng hương tại Lễ Giỗ Tổ. Ảnh: TTXVN |
Khoa học công nghệ cũng đã trở thành phương tiện kết nối và truyền tải những thông điệp ý nghĩa về ngày quốc lễ này. Ngày 10-3 Âm lịch năm 2020, “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu Online" đã được tổ chức trên không gian mạng, trong đó có hoạt động thi viết status về cảm nghĩ, cảm xúc tự tôn, tự hào dân tộc, kết nối Việt Nam với bạn bè quốc tế; những câu chuyện cảm động về tình người xa xứ; những câu chuyện của bà con kiều bào, bạn bè quốc tế giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, đại dịch...; hoặc thực hiện các video, clip, thể hiện tình cảm với quê hương, đất nước, với tiên tổ, dân tộc…
Hiếm có quốc gia nào trên thế giới lại có chung một ngày để mọi người cùng tri ân, tưởng nhớ đến tổ tiên, nguồn cội như Việt Nam. Lễ Giỗ Tổ diễn ra đúng thời điểm dịch Covid-19 hoành hành cũng là dịp để chiêm nghiệm và soi rọi rõ hơn về tinh thần dân tộc, tình đoàn kết, nghĩa đồng bào qua từng hành động, việc làm cụ thể của mỗi người, mỗi nhà. Toàn dân chống dịch, không kể già trẻ, gái trai, giàu có hay bần hàn. Mỗi người, tùy theo điều kiện và khả năng mà đóng góp vật chất, công sức, trí tuệ. Đồng thuận, thực hiện nghiêm những chỉ đạo của Chính phủ như ở nhà nhiều nhất có thể, rửa tay đúng cách, đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người…, những việc làm đơn giản ấy cũng là chung tay chống dịch, bảo vệ mình và cả cộng đồng. Khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch cũng sẽ được thụ hưởng gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng. Ngoài các chính sách của Chính phủ, những ngày qua rất nhiều tổ chức cá nhân cũng phát huy tinh thần tương ái, thực hiện nhiều hoạt động nhân ái, từ thiện giúp đỡ người nghèo, yếu thế.
Trong khó khăn, dịch bệnh, nghĩa đồng bào, tấm lòng nhân ái của con người Việt Nam càng tỏa sáng. Đất nước mở rộng vòng tay đón những người con xa xứ trở về bản quán với hàng vạn đồng bào ta ở nước ngoài về nước tránh dịch. Như chia sẻ của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: “… dù đất nước còn nhiều khó khăn, điều kiện đón, thủ tục cách ly, cơ sở vật chất còn chưa thuận lợi, nhưng đó là nghĩa đồng bào”. Không để ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến với Covid này, nhiều cán bộ chiến sĩ sống cảnh màn trời chiếu đất; nhiều y, bác sĩ, đoàn viên thanh viên sẵn sàng bất chấp hiểm nguy xông xáo trên tuyến đầu chống dịch. Nhiều chủ nhà trọ miễn giảm tiền thuê nhà; thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh góp tiền, góp sức may khẩu trang, mua gạo, các nhu yếu phẩm thiết yếu để hỗ trợ người nghèo, lao động tự do vượt qua mùa dịch…
Tất cả những việc làm ấy có thể tìm gọi một mẫu số chung: ấy là tình thương yêu, đùm bọc trong hoạn nạn, thử thách… Ngày Giỗ Tổ được tổ chức, tưởng nhớ với quy mô, hình thức như thế nào thì có một giá trị luôn bất biến: tinh thần dân tộc, truyền thống đoàn kết. Nghĩa đồng bào là cội nguồn sức mạnh, là cầu nối cho niềm tin, niềm tự hào của người Việt về quá khứ hào hùng, để lạc quan, tự tin với hiện tại, vững tiến đến tương lai.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc