Multimedia Đọc Báo in

Người dân góp phần đem lại những bộ sưu tập văn hóa thời tiền sử

12:04, 28/04/2020

Đến nay, ngoài 4 di chỉ đã được khai quật: Buôn Triết (huyện Lắk), Dhă Prông (TP. Buôn Ma Thuột), Chư K'tur (huyện Ea Kar), Buôn Kiều (huyện Krông Bông), còn có hàng chục địa điểm khảo cổ thuộc thời đại tiền sử trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được giới khảo cổ học tiếp tục thám sát, phát hiện nhằm hoàn thiện nhiều bộ sưu tập văn hóa thời tiền sử có giá trị khoa học tiêu biểu, phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu một cách có hệ thống hơn về con người và vùng đất giàu bản sắc này.

Ông Nguyễn Quang Năm – Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk cho hay, những bộ sưu tập trên hiện được bảo quản, trưng bày tại bảo tàng và ngày càng thu hút sự quan tâm của mọi người. Có được thành quả ấy, không thể không nói đến vai trò của người dân trong việc phát hiện, trình báo và hợp tác với các đơn vị, cơ quan chức năng để khai quật, thu nhận hiện vật.

Cán bộ Bảo tàng tỉnh khảo sát điểm khảo cổ tại Buôn Triết, huyện Lắk từ thông tin người dân  cung cấp. (Ảnh tư liệu Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk)
Cán bộ Bảo tàng tỉnh khảo sát điểm khảo cổ tại Buôn Triết, huyện Lắk từ thông tin người dân cung cấp. (Ảnh tư liệu Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk)

Ví như tại buôn Dhă Prông (TP. Buôn Ma Thuột), trong quá trình canh tác, ông Lê Bình đã phát hiện nhiều hiện vật bằng đá giống như công cụ sản xuất của người tiền sử (rìu, cuốc, dao, thuổng…) nên đã trình báo với ngành văn hóa thành phố để phối hợp với Bảo tàng tỉnh nghiên cứu và khai quật. Hoặc tại di chỉ khảo cổ Chư K’tur (xã Xuân Phú, huyện Ea Kar), từ thông tin ban đầu của vợ chồng anh Nguyễn Văn Tẫn và chị Nguyễn Thị Trung cung cấp cho chính quyền địa phương, Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật và thu nhận hơn 300 hiện vật bằng đá được người tiền sử chế tác thành những công cụ sản xuất, sinh hoạt tinh xảo như rìu, bôn, dao, bàn mài, bàn dập vỏ cây…

Theo Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối, phụ trách nhóm khai quật tại di chỉ Chư K'tur thì đây là một công xưởng chế tác công cụ sản xuất bằng đá opal lớn nhất cả nước và khu vực Đông Nam Á. Những công cụ này không chỉ phục vụ nhu cầu của cư dân tiền sử trong vùng mà còn được trao đổi với nhiều nơi khác từ Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Đồng Nai, Khánh Hòa… cho đến một số vùng hạ Lào và Đông Bắc Campuchia. Để chứng minh điều đó, Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối chỉ ra trong các cuộc khảo cổ tại những địa phương trên cũng đã tìm thấy nhiều công cụ sản xuất được chế tác bằng đá opal giống hệt di chỉ Chư K’tur, mặc dù ở đó tuyệt nhiên không thấy mỏ đá opal nào, chỉ phổ biến là loại đá granit và bazan. Vậy phải có mối liên hệ nào đó giữa cư dân tiền sử vùng Chư K’tur với cư dân ở những vùng miền đã nêu? Làm rõ được mối liên hệ này, chắc chắn sẽ giúp chúng ta hình dung rõ hơn về bức tranh đời sống kinh tế, xã hội của người tiền sử trên mảnh đất Tây Nguyên nói chung và nhiều vùng lân cận khác.

Bảo tàng tỉnh nghiên cứu, khôi phục nguyên dạng  chiếc trống đồng được phát hiện trên địa bàn  xã Phú Xuân, huyện Krông Năng.
Bảo tàng tỉnh nghiên cứu, khôi phục nguyên dạng chiếc trống đồng được phát hiện trên địa bàn xã Phú Xuân, huyện Krông Năng.

Có thể nói, từ sự đóng góp và hợp tác tích cực, có trách nhiệm của người dân đã giúp giới khảo cổ học Đắk Lắk, trực tiếp là Bảo tàng tỉnh phát hiện, hình thành nên những bộ sưu tập văn hóa thời tiền sử có giá trị như “Rìu - cuốc đá và gốm” với hàng nghìn hiện vật phong phú, sinh động giúp công chúng và khách tham quan khám phá, hiểu thêm về giai đoạn lịch sử ẩn chứa nhiều điều lý thú trên cao nguyên này.  

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc