Phút lắng đọng trong ngày vui chiến thắng
Ngày vui
Tôi qua dòng sông yên tĩnh
Con cầu như tiếng ngân vui
Tiếng ve ấm bừng trí nhớ
Sen lên thơm bốn mặt thành
Ngày vui của đời ta đó
Gió thổi đường dài bâng khuâng...
Đất nước ba mươi năm
Trên vai sắt thép
Đi suốt cuộc trường chinh
Đi qua tuổi trẻ
Đi qua những cuộc tiễn đưa lặng lẽ, không hoa
Và bây giờ đất nước nở hoa
Gầm trong hai mươi mốt phát đại bác rung trời
Chào chiến thắng!
Đất nước của tôi
Tôi muốn quỳ trước chân Người
Đặt môi mình trên nguồn thẳm
In trán mình vào cát mặn
Tung tăng hoài dưới mỗi gốc lúa làng quê
Hát khúc đồng dao về Độc Lập, Tự Do
Mẹ ơi, con trở lại nhà
Sau lưng con cánh cửa chiều khép nhẹ
Mẹ lại ngồi trước bếp lửa chiều lặng lẽ
Nấu cơm cho chúng con ăn
Ôi những hạt gạo nổi chìm ba mươi năm
Đời mẹ tảo tần cay đắng
Từng nuôi chúng con làm nên chiến thắng
Bây giờ chưa đủ chúng con no
Nhưng căn nhà mình lộng gió tự do
Reo tiếng trẻ những mùa làm lụng mới...
Mẹ thân yêu, với tấm lòng trọn vẹn
Mẹ vẫn khơi bếp lửa hồng như cổ tích ca dao
Và những gì nồng thắm của mai sau...
1975
Nguyễn Khoa Điềm
Nguyễn Khoa Điềm, tác giả của trường ca “Mặt đường khát vọng” nổi tiếng cũng rất thành công với những bài thơ ngắn. Thơ ông chắt lọc, điềm tĩnh và sâu sắc, mang đậm phong cách chính luận - triết lý. Ngay trong niềm vui chiến thắng của đất nước vào mùa xuân năm 1975, giọng thơ Nguyễn Khoa Điềm vẫn tha thiết, thâm trầm như một nỗi bồi hồi, thấu cảm với quá khứ. Bài thơ “Ngày vui” được tác giả hoàn thành ngay sau Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã thể hiện được nỗi niềm của hàng triệu người con hân hoan, vui sướng khi được trở về với quê hương yêu dấu, về với mẹ già chờ đợi tháng năm.
Mở đầu bài thơ là một tiếng ngân vui đầy cảm xúc. Tiếng ngân vui đó khởi sự từ bước chân sau bao nhiêu năm tác giả được trở về và đi trên chiếc cầu quê hương bắc qua "dòng sông yên tĩnh". Dòng sông của tuổi thơ hồn nhiên bỗng bừng thức trở lại, hòa cùng tiếng ve ngân, hương sen thơm ngát, nhất là ngọn gió bâng khuâng thổi dọc đường dài: “Tôi qua dòng sông yên tĩnh/ Con cầu như tiếng ngân vui/ Tiếng ve ấm bừng trí nhớ/ Sen lên thơm bốn mặt thành/ Ngày vui của đời ta đó/ Gió thổi đường dài bâng khuâng...”. Nhà thơ chọn chính không gian của quê hương mình để phác họa niềm vui trong ngày chiến thắng. Từ dòng sông, tiếng ve, hoa sen cho đến con đường gió thổi bâng khuâng. Tất cả cứ rạo rực, ngân vui hồ hởi giữa một kinh thành xưa cũ. Có được ngày vui, tác giả cũng không quên nhớ về những tháng năm gian khổ, giai đoạn ác liệt cả dân tộc "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" chống Mỹ và cả chín năm chống Pháp hào hùng trước đó. Biết bao mất mát hy sinh, bao cuộc tiễn đưa lặng lẽ đau lòng: “Đất nước ba mươi năm/ Trên vai sắt thép/ Đi suốt cuộc trường chinh/ Đi qua tuổi trẻ/ Đi qua những cuộc tiễn đưa lặng lẽ, không hoa”.
Thơ Nguyễn Khoa Điềm sâu sắc, nhiều suy tư - triết lý, ngay trong niềm vui tột cùng ông cũng lắng lại hồn mình để nhớ về quá khứ. Trong ngày 30 tháng 4 lịch sử, nhà thơ dường như không kìm nén được cảm xúc mừng vui dâng trào mãnh liệt. Niềm hân hoan đó được biểu đạt bằng những câu thơ nối mạch cảm xúc qua vô vàn hành động: quỳ trước chân Người, đặt môi, in trán, tung tăng... qua những vùng miền đất nước, từ núi cao rừng thẳm đầu nguồn đến những vùng duyên hải sóng cồn cát mặn, qua mỗi gốc lúa làng quê thắm đượm nghĩa tình mà nghêu ngao hát khúc đồng dao vang lên trong ngày thống nhất non sông: “Đất nước của tôi/ Tôi muốn quỳ trước chân Người/ Đặt môi mình trên nguồn thẳm/ In trán mình vào cát mặn/ Tung tăng hoài dưới mỗi gốc lúa làng quê/ Hát khúc đồng dao về Độc Lập, Tự Do”.
Trong ngày vui sướng tột cùng của dân tộc, hình ảnh người mẹ già bên bếp lửa trong ngôi nhà nơi miền quê lặng lẽ như một sự ngưng đọng, trào dâng cảm xúc nhất từ trái tim tác giả. Mẹ vẫn đó, trước bếp lửa chiều nấu cơm cho chúng con ăn sao mà ấm áp quá! Đời mẹ nhiều tảo tần cay đắng, phải trải qua ba mươi năm cơ cực đủ điều, giờ mẹ mới thấy đàn con mình lớn khôn, hùng dũng theo dáng hình đất nước: “Mẹ ơi, con trở lại nhà/ Sau lưng con cánh cửa chiều khép nhẹ/ Mẹ lại ngồi trước bếp lửa chiều lặng lẽ/ Nấu cơm cho chúng con ăn/ Ôi những hạt gạo nổi chìm ba mươi năm/ Đời mẹ tảo tần cay đắng”.
Vui sướng mà nghe nước mắt mặn trào. Hạnh phúc xen lẫn buồn đau, mất mát. Có lẽ cái hậu của thơ chính là nỗi niềm day trở khôn nguôi về từng phận người. Ngay trong ngày chiến thắng, nhà thơ vẫn hướng đến những gì bình dị và thân thuộc, nhất là người mẹ của đất nước, của cách mạng suốt đời tận tụy hy sinh.
Kết thúc bài thơ là niềm tin về cuộc đời lộng gió tự do, không chỉ trong ngày vui đại thắng hôm nay mà còn nồng ấm đến mai sau, tất cả điều đó được nhìn qua tấm lòng người mẹ nhân hậu, cao đẹp và lớn lao vô ngần: “Mẹ thân yêu, với tấm lòng trọn vẹn/ Mẹ vẫn khơi bếp lửa hồng như cổ tích, ca dao/Và những gì nồng thắm của mai sau...”.
Bằng bút pháp chính luận - trữ tình, bài thơ “Ngày vui” của Nguyễn Khoa Điềm là cảm xúc trào dâng trong giờ phút đất nước hoàn toàn thống nhất. Bài thơ khép lại mà ân tình sâu nặng của tác giả vẫn còn thổn thức, còn lắng đọng biết bao nỗi niềm về Tổ quốc, nhân dân.
Lê Thành Văn
Ý kiến bạn đọc