Multimedia Đọc Báo in

Tượng Mẫu Âu Cơ - bảo vật quốc gia nơi cội nguồn đất Việt

10:17, 04/04/2020

Từ bao đời nay, bên dòng sông Thao hiền hòa thơ mộng, dưới chân dải núi Nả sừng sững, tọa lạc giữa cánh đồng bát ngát, trù phú, đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ (xã Hiền Lương, Hạ Hòa, Phú Thọ) là nơi phụng thờ, lưu giữ pho tượng Mẫu Âu Cơ - bảo vật Quốc gia.

Tọa lạc dưới gốc đa cổ thụ quanh năm xanh tốt, đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ chính thức được xây dựng dưới triều vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497). Ngôi đền gắn với huyền tích Mẹ Âu Cơ sau khi kết duyên với Lạc Long Quân và đẻ ra bọc trăm trứng, Mẹ cùng 49 người con lên miền ngược thấy đất Hiền Lương (Hạ Hòa, Phú Thọ) phong cảnh tươi đẹp, sơn thủy hữu tình nên đã chọn làm nơi dừng chân khai sơn phá thạch. Sau khi cuộc sống ấm no, con cháu đông vui, xóm làng trù phú, ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch, Mẫu đã bay về trời, để lại trên ngọn đa dải lụa đào.

Để tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ, nhân dân Hiền Lương đã xây dựng ngôi đền dưới gốc đa cổ thụ để phụng thờ, hương khói. Năm 1991 đền Tổ Mẫu Âu Cơ chính thức được Bộ Văn hóa – Thông tin cấp Bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Ngày 23-1-2017, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 15-1-2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 88/QĐ-TTg công nhận bảo vật quốc gia đối với tượng Mẫu Âu Cơ thờ trong đền Tổ Mẫu Âu Cơ ở xã Hiền Lương (Hạ Hòa, Phú Thọ).

Đền Tổ Mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương (Hạ Hòa - Phú Thọ).
Đền Tổ Mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương (Hạ Hòa - Phú Thọ).

Tượng Mẫu Âu Cơ có niên đại khoảng 540 năm, được thờ trong cung cấm của ngôi đền. Cung phía trên cao có thang gác gỗ đi lên, nơi có cỗ khám thờ tượng Mẫu Âu Cơ. Khám cao 1,82 m, dài 1,63 m, rộng 1,25 m. Riềm khám thờ được chạm văn hoa tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai). Trong khám đặt cỗ ngai làm nơi ngự của tượng Mẫu Âu Cơ, tượng cao ước gần 1 mét, ở tư thế ngồi. Mẫu Âu Cơ mặc áo đỏ, yếm trắng đầu đội mũ, một tay cầm viên ngọc, tay kia đặt trên đầu gối, chân đi hài cong (vân sảo), đầu đội mũ lấp lánh (kim cương), nước da hồng, mặt đôn hậu. Toàn bộ tượng toát lên một vẻ đẹp thanh cao, đôn hậu của phụ nữ Việt Nam. Chất liệu của tượng là gỗ mít, được sơn son thếp vàng. Pho tượng là hiện vật gốc độc bản thờ tại đền Mẫu xã Hiền Lương (Hạ Hòa, Phú Thọ). Trải qua thời gian, khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, pho tượng Mẫu Âu Cơ vẫn còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn.

Tượng Mẫu Âu Cơ gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ thể hiện sự tri ân công đức người Mẹ của muôn dân. Mẹ Âu Cơ bước ra từ trong huyền tích vốn là một người Mẹ như bao người mẹ Việt khác, bình dị, đảm đang, chịu thương chịu khó và rất mực yêu thương con cháu. Mẹ Âu Cơ dừng chân nơi mảnh đất trù phú Hiền Lương đã dạy muôn dân trồng lúa nước, nuôi tằm, dệt vải, đánh bắt cá, hái lượm… Hình tượng Mẫu Âu Cơ luôn gắn với nền văn minh nông nghiệp, là người Mẹ xứ sở.

Đền Mẫu Âu Cơ, tín ngưỡng thờ Mẫu đã trở thành một nét đẹp văn hóa vô cùng độc đáo của người Việt, là biểu tượng thiêng liêng của nguồn cội con Lạc cháu Hồng của người dân Việt Nam, là nơi để mỗi người dân Việt Nam dù ở phương trời nào cũng hướng về với một lòng thành kính sâu sắc như lời ông cha ta đã dạy: “Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.