Đôi điều về phát hiện, bồi dưỡng tài năng văn chương trẻ ở Đắk Lắk
Gần 30 năm qua, Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk đã tích cực, chủ động phối hợp với Sở GD-ĐT và Tỉnh Đoàn thường xuyên mở lớp bồi dưỡng sáng tác cho lứa tuổi thiếu nhi qua các trại Hạ Xanh; đồng thời đảm nhiệm tổ chức Trại sáng tác Hương Rừng dành cho thiếu nhi các dân tộc thiểu số. Đây không chỉ là sân chơi tinh thần lành mạnh, bổ ích mà còn là nơi ươm mầm các tài năng văn chương trẻ ở địa phương.
Các trại sáng tác trên đã thu hút hàng nghìn thiếu nhi đam mê văn chương tham gia trong dịp nghỉ hè hằng năm. Các em đã được các văn nghệ sĩ có tên tuổi của tỉnh nhà truyền cảm hứng sáng tạo, hướng dẫn sáng tác, tạo điều kiện tốt nhất cho các em thâm nhập thực tế, sửa các bài viết (thơ, văn…), tập hợp, biên tập, chọn những tác phẩm tiêu biểu in thành sách. Từ những trại sáng tác ấy đã ươm mầm nên nhiều tài năng văn chương, trong đó có những cây viết người dân tộc thiểu số đã để lại nhiều dấu ấn như: Niê Thanh Mai, H’Siêu Byă, H’Xíu Hmok…
Một số tập Hạ xanh qua các trại sáng tác. |
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong công tác tổ chức các trại sáng tác khiến việc phát hiện, ươm mầm các tài năng thiếu nhi còn hạn chế. Điều dễ thấy là thời gian tổ chức trại quá ngắn, bình quân chỉ từ 5 - 7 ngày cho tất cả các hoạt động như: nghe hướng dẫn, trao đổi về thơ văn; phương pháp sưu tầm văn hóa dân gian Tây Nguyên; thâm nhập thực tế và sáng tác, chưa kể đến việc tổ chức lễ khai mạc, tổng kết, liên hoan chia tay. Chừng ấy thời gian là quá ít để các em hình dung, học viết và hoàn thiện một tác phẩm! Khi trại sáng tác kết thúc, các em lại trở về với việc học tập và sinh hoạt thường ngày, chỉ còn những em nào đam mê lắm mới dành thời gian để tiếp tục sáng tác, viết văn làm thơ. Công việc thu hút và bồi dưỡng các tài năng trẻ, nhất là tài năng trẻ văn chương là một quá trình lâu dài và liên tục, không chỉ kéo dài trong một tuần hay một tháng rồi… thôi!
Thiết nghĩ, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cần phát huy tốt hơn vai trò của mình trong công tác phát hiện, bồi dưỡng các tài năng trẻ trong lĩnh vực văn chương. Có thể phát hiện các “hạt giống” tài năng từ các lớp chuyên văn, các cuộc thi giỏi văn; thông qua các trại sáng tác Hạ Xanh, Hương Rừng, Núi Hoa, các sáng tác được giới thiệu trên tạp chí Chư Yang Sin để bồi đắp đam mê lâu dài. Nên chăng, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh có thể phối hợp với Sở GD-ĐT, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Lắk, Tỉnh Đoàn tổ chức các cuộc vận động sáng tác, cuộc thi sáng tác văn thơ dành cho thiếu nhi; phối hợp với các trường tìm ra những tài năng văn chương trẻ để bồi đắp bằng cách mời các em tham gia các trại sáng tác, theo dõi và động viên các em phát huy năng khiếu, đam mê.
Bên cạnh đó, cần xem xét mở rộng độ tuổi dành cho các em tham gia các trại sáng tác Hạ Xanh, Hương Rừng, Núi Hoa, không nhất thiết chỉ dành cho độ tuổi học sinh THCS và THPT mà có thể nhỏ hơn để phát hiện và bồi dưỡng sớm các em có năng khiếu. Thực tế, nhà thơ Trần Đăng Khoa khi sáng tác tập thơ “Góc sân và khoảng trời” khi mới 10 tuổi. Năm 2019, Báo Khăn Quàng Đỏ và Nhà Thiếu nhi TP. Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thi sáng tác văn học dành cho thiếu nhi, chủ đề “Thành phố của em”, đối tượng tham gia là học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Giải “Cây bút tuổi hồng” lần thứ VII do Trung ương Đoàn, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng Đội Trung ương, Báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức dành cho lứa tuổi từ 7 đến 16 tuổi.
Nơi ươm mầm văn chương thật sự là nhà trường bởi thế Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nên phối hợp với Sở GD-ĐT tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ địa phương giao lưu, nói chuyện với các em thông qua Ngày Văn hóa đọc, Ngày Sách, Ngày thơ Việt Nam và các buổi sinh hoạt ngoại khóa nhằm truyền cảm hứng sáng tạo đến các em một cách thường xuyên hơn, gợi cho các em đọc những tác phẩm thiếu nhi bổ ích.
Bùi Minh Vũ
Ý kiến bạn đọc