Gian nan hành trình bảo tồn voi (Kỳ 1)
Những năm gần đây, công tác bảo tồn đàn voi ở Đắk Lắk đã được chú trọng. Những thành quả bước đầu đã mang lại niềm tin rằng voi sẽ được bảo tồn, phát triển. Tuy nhiên hành trình bảo tồn voi (BTV) vẫn còn lắm gian nan...
Kỳ 1: Đáng thương đời sống của voi
“Trời sinh voi, sinh cỏ” là quy luật muôn đời của tự nhiên. Nhưng điều này có vẻ như không còn hợp lý khi voi đang đối diện với tình trạng thiếu thức ăn, môi trường sống bị ảnh hưởng.
Theo voi vào rừng
Bình thường, nếu không làm du lịch, voi nhà được đưa vào rừng chăn thả. Do nguồn thức ăn không đủ, các chủ voi phải thường xuyên di chuyển voi từ nơi này đến nơi khác để tìm thức ăn, công việc này gọi là “thay cỏ”.
Anh Y Thăn Uông chăn thả voi trong rừng. |
Một sáng cuối tuần, chúng tôi cùng Y Thăn Uông ở buôn M’liêng, xã Đắk Liêng (huyện Lắk) vào rừng đi "thay cỏ" cho voi Bắk Nang đang được chăn thả tại một cánh rừng bên kia sông Krông Ana. Khi còn ở phía sau một quãng, Bắk Nang đã cảm nhận được cái hơi quen thuộc nên quay lại tiến về phía Y Thăn với ánh mắt rạng ngời, long lanh. Chàng nài voi cũng không quên thể hiện những hành động âu yếm, cưng nựng khi gặp người bạn thân thiết hằng ngày của mình. Sau một lúc “thể hiện tình cảm”, Y Thăn tháo một đầu dây xích, gỡ rối cho voi rồi nhanh chóng kiểm tra chân voi xem có dẫm trúng gai, vật nhọn gì không. Nài voi đưa Bắk Nang xuống hồ tắm và uống nước. Voi thỏa thích uống nước và khoái chí nghịch nước bắn tung tóe giữa hồ rộng lớn, ngào ngạt hương sen, chàng trai M’nông vui ra mặt. Ngồi trên lưng voi nhìn xa xăm về phía quả đồi trọc bên kia hồ Hồ Ring, Y Thăn bảo, giá như khu vực này được khoanh vùng bảo vệ cho rừng xanh tốt trở lại, lấy chỗ cho voi kiếm ăn, uống nước tập trung rồi cho người dân, du khách có thể vào tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm các hoạt động với voi. Y Thăn chia sẻ, trước đây rừng bạt ngàn, voi được thả quanh buôn cũng ăn no. Bây giờ, rừng mất đi nhiều, thức ăn cho voi giảm hẳn nên phải đưa voi đi kiếm ăn xa hơn. Mùa mưa cỏ mọc nhiều thì vài ngày mới “bắt” voi về nhà, còn mùa khô phải di chuyển nơi chăn thả liên tục nhưng voi vẫn ăn không đủ no.
chủ voi Y Khu Êban
|
Voi đực một ngà Y Khăm Sen Êung của gia đình anh Y Vinh Êung (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) được cho ăn trong khu rừng sâu thuộc lâm phần của Ban Quản lý Rừng lịch sử - Văn hóa – Môi trường Hồ Lắk. Khoảng 1 giờ chạy xe máy theo những con đường mòn lởm chởm đá rồi đi bộ qua mấy vạt rừng dốc đứng, chúng tôi mới đến khu vực thả voi. Quá trưa, trời nóng như rang, chúng tôi mệt lả, bủn rủn chân tay, đi rừng lão luyện như người đàn ông M’nông Rlăm - anh Y Vinh cũng mặt đỏ gay, mồ hôi nhễ nhãi thấm ướt hết quần áo. Sau khi được tháo xích, Y Khăm Sen vội vàng đi tìm chỗ uống nước, mỗi bước đi của chú voi 28 tuổi kéo theo dây xích dài tầm 50 m rào rạo một góc rừng. Luồn lách giữa rừng rậm một hồi lâu, Y Vinh mới tìm được chỗ cho voi uống nước. Đó là một cái vũng nhỏ trên khe nước, anh phải bới rộng thêm và chặn lại để voi uống. Y Khăm Sen dùng vòi gạt cành cây, lá khô và tu nước. Chỉ một lát vũng nước đã cạn, Y Vinh ngồi trên lưng voi nhìn cảnh này, cảm giác như người cha thấy con chén sạch phần canh trong đáy nồi. Anh phải tìm chỗ khác để voi uống nước cho đã khát. Sau đó, Y Vinh mất hồi lâu tìm vị trí cột voi có nhiều cây cỏ, bóng mát và gần nguồn nước.
Voi ăn kham, ở khổ
Vào mùa này, cứ 3 giờ sáng hằng ngày, ông Y Khu Êban (buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) phải dậy cho voi Ta Nuôl vào rừng Yok Đôn chăn thả, chiều muộn mới đưa về. Sáng sớm, voi “điểm tâm” bằng mớ xoài rụng trong vườn nhà rồi theo chủ vào rừng tìm thức ăn. Đến bìa rừng, voi xuống hồ uống nước và tắm một lúc mới đi ăn. Rừng mùa khô xơ xác, Ta Nuôl cắn mấy cành le ăn xong rồi gỡ những dây thân leo trụi lá bám chặt trên cây dầu, nhai ngon lành. Theo ông Y Khu, loại dây leo này trước đây chẳng thấy voi ăn vì thức ăn không thiếu, bây giờ vào rừng voi thấy gì ăn nấy. Ông chia sẻ, cách đây vài chục năm trở về trước, rừng luôn xanh, đầy cây cỏ, voi ít phải di chuyển xa kiếm ăn, vài tháng chủ mới đưa voi về nhà. Bây giờ, nguồn thức ăn tự nhiên giảm, ông phải thay đổi chỗ chăn thả voi hằng ngày. Bên cạnh đó, gia đình ông dành một miếng đất rộng để trồng cỏ và mua thêm chuối, mía bổ sung thức ăn cho Ta Nuôl đủ no. Chủ nào không chăm voi tốt như ông thì chuyện voi đói là bình thường.
Voi Ta Nuôl của ông Y Khu Êban phải ăn dây thân leo trụi lá trong rừng Yok Đôn. |
Theo ông Đỗ Viết Thụ, Trưởng Phòng BTV hoang dã (Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk), Đắk Lắk là địa phương có kiểu rừng khộp tập trung với diện tích lớn, bằng phẳng, là sinh cảnh ưa thích và cũng là hành lang di chuyển của voi hoang dã theo mùa để tìm kiếm thức ăn, giao phối và sinh sản. Tuy nhiên, những năm gần đây diện tích rừng khộp tại các địa bàn có voi hoang dã suy giảm mạnh. Điều này gây ra khoảng trống trong sinh cảnh, chia sinh cảnh thành nhiều khu vực nhỏ mà trước đây là khu vực sinh sống ổn định của các quần thể voi. Cũng do sinh cảnh bị thu hẹp, nguồn thức ăn giảm, nên voi phải di chuyển nhiều hơn, tình trạng này dẫn đến xung đột voi – người. Voi phá hoại hoa màu, tài sản của người dân, đe dọa tính mạng con người. Ngược lại, voi cũng đối mặt với nguy cơ từ phía con người. Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, có khoảng 20 cá thể voi rừng chết vì những nguyên nhân khác nhau.
Trung tâm BTV Đắk Lắk cho biết, đối với voi nhà, nguồn thức ăn từ tự nhiên ngày càng khan hiếm do diện tích rừng - nơi chăn thả truyền thống của voi bị thu hẹp - trong khi nguồn lực đầu tư cho các khu chăn thả tự nhiên chưa thực hiện được. Hiện, Trung tâm đã xây dựng được quỹ đất 200 ha tại huyện Buôn Đôn để chăn thả voi tập trung. Tại huyện Lắk, khu vực được quy hoạch cho mục đích này là 150 ha, nhưng qua rà soát thực địa, chỉ có khoảng 80 ha tại xã Yang Tao liền mạch, không bị lấn chiếm có thể lấy để làm bãi chăn thả, tuy nhiên địa hình lại hơi dốc.
(Còn nữa)
Kỳ 2: Khẩn cấp cứu voi
Minh Thông – Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc