Gian nan hành trình bảo tồn voi (Kỳ 2)
Kỳ 2: Khẩn cấp cứu voi
Số lượng đàn voi liên tục suy giảm, voi hoang dã bị bắn giết và xung đột thường xuyên với con người, voi nhà ít được quan tâm chăm sóc là tình trạng diễn ra trong thời gian dài. Thực tế đáng báo động này đòi hỏi các cấp chính quyền, cơ quan chức năng có giải pháp cấp bách để nhà khoa học và những người yêu động vật. Công tác bảo tồn voi (BTV) được thực hiện từ đòi hỏi thực tế cấp bách.
Báo động đỏ cho voi
Những con số thống kê cho thấy, nhiều năm qua, số lượng đàn voi ở Việt Nam suy giảm nhanh chóng đến mức báo động. Cụ thể, giữa thập niên 1980, ước tính cả nước có khoảng 1.500 - 2.000 cá thể voi tự nhiên. Tuy nhiên, đàn voi hoang dã hiện chỉ còn khoảng 124 -148 cá thể, phân bố tại 8 tỉnh với 3 khu sinh cảnh lớn là Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát và vùng phụ cận (tỉnh Nghệ An), VQG Cát Tiên, Khu Bảo tồn và Văn hóa Đồng Nai, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà (Đồng Nai) và VQG Yok Đôn (tỉnh Đắk Lắk). Đối với voi nhà, cả nước giảm 90% trong vòng 30 năm qua. Riêng tại tỉnh Đắk Lắk, năm 1980, toàn tỉnh có 502 con voi thuần dưỡng, đến năm 1990 còn 299 con, năm 2000 còn 138 con và hiện chỉ còn 44 con. Đàn voi hoang dã cũng giảm số lượng từ khoảng 1.000 cá thể còn 100 cá thể.
Theo ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, quần thể voi hoang dã giảm mạnh do lâm tặc săn bắn gắt gao, sinh cảnh bị thu hẹp, nguồn thức ăn giảm do rừng mất đi nhiều, chưa kể xung đột với con người ngày càng gia tăng. Đối với voi nhà, nạn buôn bán voi ra ngoại tỉnh, tình trạng giết voi lấy ngà và già yếu, bệnh tật đã khiến voi chết dần. Tuy nhiên, câu chuyện bảo tồn bền vững, gia tăng số lượng loài động vật này trong một thời gian dài chưa được đặt ra.
Một nài voi đưa voi vào rừng chăn thả tại xã Yang Tao, huyện Lắk. |
Ngày 21-5-2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 763/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổng thể bảo tồn voi giai đoạn 2013 - 2020”. Trong đó, quy hoạch vùng ưu tiên bảo tồn và phát triển bền vững quần thể voi gồm tỉnh Đắk Lắk, Nghệ An, Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) và tỉnh Đồng Nai. Tại tỉnh Đắk Lắk, ngày 12-11-2013, UBND tỉnh có Quyết định 2362/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án khẩn cấp BTV tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, tổng kinh phí 86 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 66 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 13 tỷ đồng, còn lại là nguồn tài chính từ các dự án hợp tác quốc tế. Cùng với đó, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 78/2012/NQ-HĐND, ngày 21-12-2012 quy định một số chính sách BTV tỉnh Đắk Lắk. Đây là Nghị quyết rất có ý nghĩa và kịp thời làm nền tảng cho lần đầu tiên bảo tồn một loại động vật hoang dã, với những chính sách cụ thể cho chủ voi, nài voi và những người trực tiếp làm công tác BTV. Mục tiêu là bảo tồn, phát triển bền vững quần thể voi hoang dã và voi nhà; khôi phục, bảo vệ nguồn gen động vật, thực vật nguy cấp quý hiếm và đa dạng sinh học trong vùng sinh cảnh của voi; ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả xung đột giữa voi với người; tăng cường hợp tác thực thi pháp luật, góp phần bảo tồn các quần thể voi trên địa bàn tỉnh…
Nhiều tổ chức quốc tế đã cử chuyên gia đến Đắk Lắk hỗ trợ trong công tác BTV gồm: Tổ chức Tổ chức Động vật Châu Á, Tổ chức Chăm sóc voi quốc tế, Tổ chức Phúc lợi động vật hoang dã, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, Vườn thú North Carolina (Mỹ), Vườn thú Rotterdam (Hà Lan) và Trung tâm BTV Thái Lan. |
Vừa làm vừa học cách bảo tồn voi
Để xây dựng cơ chế, chính sách về BTV, Tổng cục Lâm nghiệp đã cùng với các địa phương có voi tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng đàn voi, tìm hiểu kinh nghiệm từ các nước khác. Nhưng khi đã có “cây gậy” chính sách, pháp lý thì việc triển khai thực hiện gặp nhiều bỡ ngỡ, lúng túng và không biết bắt đầu như thế nào, bởi đây là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, chưa có kinh nghiệm thực tế ở trong nước.
Voi H'Mong Sen Bkrông (buôn Chua, xã Yang Tao, huyện Lắk) sợ hãi khi có cháy rừng ở gần đó. |
Bước đi đầu tiên trong hành trình BTV là tháng 8-2011, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk được thành lập. Tuy nhiên, những ngày đầu đi vào hoạt động, Trung tâm không có trụ sở, nhân lực chỉ có 5 người và không có cán bộ có chuyên môn chăm sóc, cứu hộ, y tế về voi. Những người làm công tác BTV phải đi tìm quỹ đất làm khu chăn thả voi, xây dựng nhà làm việc, cơ sở hạ tầng kỹ thuật liên quan và tìm kiếm, đào tạo cán bộ chuyên môn. “Không thể nói hết những khó khăn trong những ngày đầu bắt tay vào công tác BTV khi anh em phải vừa làm vừa học, trong khi điều kiện làm việc rất thiếu thốn. Bằng tâm huyết, tình yêu động vật và sự nỗ lực, mọi thứ dần ổn định và đi đúng hướng”, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk Huỳnh Trung Luân tâm sự.
Trong công tác BTV, việc chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh, kéo dài tuổi thọ cho đàn voi nhà được đặc biệt chú trọng. Trong 5 năm qua, đã bố trí gần 2,1 tỷ đồng cho việc chăm sóc sức khỏe, bảo tồn và phát triển voi nhà, hơn 1,7 tỷ đồng hỗ trợ voi nhà sinh sản và 2,6 tỷ đồng cho các hoạt động cứu hộ voi nhà. Từ năm 2012 đến nay, Trung tâm đã điều trị 159 lượt voi nhà bị bệnh nhiễm khuẩn, tiêu chảy, bỏ ăn, kiệt sức, viêm tích mủ, viêm khớp... Bên cạnh đó, việc khám sức khỏe định kỳ được thực hiện kỹ lưỡng bằng các biện pháp: vệ sinh tiêu độc khử trùng, khám lâm sàng, đo thân nhiệt, tần số hô hấp, nhịp tim, trọng lượng và các chỉ tiêu huyết học để phát hiện những dấu hiệu hay hành vi bất thường. Ngoài ra, phân, máu và bệnh phẩm của các cá thể voi bị bệnh cũng được lấy mẫu gửi đến các cơ quan chuyên môn xét nghiệm, kiểm tra để tìm ra nguyên nhân, đối tượng gây bệnh từ đó đưa ra phác đồ điều trị. Đồng thời, thường xuyên liên hệ và nắm bắt thông tin về tình trạng sức khỏe của các cá thể voi nhà từ những chủ voi. Đối với voi hoang dã, đã xác định được vùng cư trú và hành lang di chuyển của voi. Cụ thể, quần thể voi hoang dã có 4 - 7 đàn với số lượng khoảng 80 - 100 cá thể. Về cơ cấu bầy đàn có đủ voi đực, voi cái, voi con, voi trưởng thành và voi già, hằng năm đều có voi con được sinh ra. Trong 5 năm qua, 4 cá thể voi hoang dã bị thương đã được cứu hộ, thả vào rừng hoặc chăm sóc bảo tồn.
(Còn nữa)
Kỳ 3: Những người duyên - nợ với voi
Minh Thông - Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc