Voi rừng xứ Quảng
Xứ Quảng là vùng có nhiều sản vật, tài nguyên, trong đó có loài thú lớn sống trên cạn: voi. Không phải ngẫu nhiên mà trong tài liệu, thư tịch cũ, vùng đất này từng có tên là Tượng Lâm (Rừng Voi).
Nhiều địa danh xứ Quảng cũng có xuất xứ liên quan đến con voi, như: núi Voi ở xã Phước Xuân (huyện Phước Sơn), nơi trước đây có nhiều voi rừng sinh sống; vực Voi, địa danh chỉ vực nước ở xã Tam Lãnh, nơi còn in dấu “chân voi” trên đá, cũng là chỗ người Chămpa dùng sức nước để đãi vàng khai thác từ núi vàng Bồng Miêu nổi tiếng. Miền tây Quảng Nam hiện nay còn có sông Voi (tên đoạn sông Kôn chảy qua địa phận huyện Đông Giang). Tên sông do người Kinh đặt, còn người Cơ Tu gọi sông này là Karung Kalang, cái tên này gợi nhớ đến hình ảnh những đàn voi đi tắm, hút nước dưới sông.
Đàn voi rừng 8 cá thể, trong đó có voi con một tuổi tại Khu bảo tồn voi Nông Sơn. Ảnh: Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) |
Trong Phủ biên tạp lục, Quyển 6, Lê Quý Đôn đã nói về sản vật của đất Thuận - Quảng. Theo Lê Quý Đôn, Quảng Nam là đất phì nhiêu nhất thiên hạ; người Thăng Hoa, Điện Bàn biết dệt vải lụa, hoa màu khéo đẹp chẳng kém gì Quảng Đông, ruộng đồng rộng rãi, gạo lúa tốt đẹp, trầm hương, sừng tê, ngà voi… Cũng thời kỳ này, hai con voi xứ Quảng đã được xuất bán sang Nhật. Tư liệu về hai con voi Quảng Nam được ghi chép, lưu giữ cẩn thận ở một số bảo tàng Nhật Bản. Một nhà buôn Pháp đến Việt Nam thời Gia Long đã kể lại hành trình của mình, trong đó có nhắc đến chuyện voi ở xứ Quảng Nam. Nhà buôn này nói rằng rừng ở Quảng Nam rất nhiều voi, là nguồn cung cấp voi cho triều đình. Nhà vua nuôi một đội voi rất lớn, dùng để đi săn cũng như phục vụ trong chiến tranh. Khi vào các miền quê, nhà buôn này thấy “voi thường lội ngang sông hay rạch”, đặc biệt ông còn kể lại cuộc săn voi nơi đây mà ông được nghe thấy.
Ở vùng đồng bằng Quảng Nam, thỉnh thoảng ta hay gặp những “mả voi” là những gò đất hoang vu, um tùm cây cỏ. Ở dinh trấn Thanh Chiêm Quảng Nam, thời chúa Nguyễn, tượng binh phát triển rất mạnh bên cạnh thủy binh, kỵ binh, bộ binh. Voi của các phủ chúa khi đến chở lương thường xuống các ao tắm nên gọi là “ao tượng”, có con bị chết đem chôn nên gọi nơi đó là “mả tượng”. Sử cũ cũng đã ca ngợi trận đại thắng quân Trịnh tại cửa biển Nhật Lệ, dinh Quảng Bình vào năm 1648 (cuộc nội chiến khốc liệt Trịnh - Nguyễn), trong đó có sự tham gia tích cực của thủy binh và tượng binh Chiêm trấn.
Các dân tộc ít người miền núi Quảng Nam rất xem trọng con voi. Trong quá khứ, có thể một số tộc người đã từng biết săn bắt và thuần dưỡng voi; bằng chứng là họ không thiếu những chuyện kể về voi. Cũng như một số tộc người sinh sống ở Tây Nguyên như M’nông, Mạ, Stiêng..., xưa kia người Cơ Tu còn chế tác ra những đồ trang sức bằng ngà voi (bha’lưa achiêng). Ngà voi được các nghệ nhân chế tác thành hình chiếc khuy áo dạng tròn và lấy dây (angân xiết) xâu lại với nhau, đeo sát cổ.
Trong kho tàng chuyện cổ tích của dân tộc Cơ Tu có khá nhiều chuyện kể thú vị về voi như chuyện chàng Mười (Đăm Mơzêt) bắt voi. Trên bức vách “ga râm” của nhà làng như nhà gươl thôn LabơA, xã Chà Vàl (huyện Nam Giang) có hai bức tượng sống động, tái hiện hình ảnh chàng Mười bắt voi (manyh cop ruôih) và chàng Mười cưỡi voi (manyh at ruôih) trong câu chuyện cổ dân gian. Nhà làng truyền thống (gươl) thôn Pà Xua, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang có tượng tròn khắc họa hình ảnh một nài voi đang ngồi trên lưng voi, tay cầm dụng cụ điều khiển voi với tư thế, động tác rất thuần thục. Một số nhà gươl ở Tây Giang xuất hiện các bức phù điêu voi khá ấn tượng như voi đực có cặp ngà dài vươn vòi về phía trước, hai chú voi đực đang chầu chiếc ché rồng. Nhà gươl thôn Pơ Ning, xã Lăng, huyện Tây Giang có tấm lan can mặt tiền điêu khắc đẹp mắt với hình ảnh của những chú voi dũng mãnh bên cạnh những con vật khác như ngựa, rồng...
Ngày nay, núi rừng đại ngàn xứ Quảng vẫn còn hiện hữu loài động vật quý hiếm này. Voi sống thành bầy đàn ở các tiểu khu rừng thuộc các huyện Trà My, Tiên Phước, Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh (Nam Giang), Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Nông Sơn... Nhờ làm tốt công tác bảo tồn, giữ gìn sinh cảnh tự nhiên, không gian sinh tồn được mở rộng nên voi rừng ở xứ Quảng được duy trì, phát triển. Gần đây, trong các chuyến khảo sát thực hiện kế hoạch "Điều tra đa dạng sinh học Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam" vào tháng 2 và tháng 3-2020, các chuyên gia bảo tồn của dự án Trường Sơn Xanh đã ghi hình được đàn voi tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam). Đàn voi này gồm 8 cá thể, trong đó có 1 voi đực trưởng thành, 1 voi đực bán trưởng thành, 3 voi cái trưởng thành, 2 voi cái bán trưởng thành và 1 voi con khoảng một tuổi.
Tấn Vịnh
Ý kiến bạn đọc