Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn văn hóa dân gian trong lòng đô thị

09:15, 26/06/2020

Vốn văn hóa dân gian cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên bản sắc cho một đô thị thời hiện đại.

Có thể nói Buôn Ma Thuột là đô thị còn bảo tồn, gìn giữ được vốn văn hóa ấy với nhiều cấp độ, tầng nấc khác nhau để tạo nên diện mạo và đặc trưng riêng nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ và thường xuyên của chính quyền, cũng như người dân địa phương.

Góc nhìn khác

Trong bối cảnh công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, vốn văn hóa dân gian đô thị Buôn Ma Thuột cũng như các thành phố khác trên cả nước không còn là một khối thống nhất nữa, mà bị chia nhỏ ra thành nhiều mảng - miếng; đồng thời đã biến đổi luôn cả cấu trúc lẫn chức năng nhận thức giáo dục, thẩm mỹ theo xu thế mới của xã hội hiện đại.

Nhạc cụ tre trúc của người Êđê góp mặt trong Chương trình
Nhạc cụ tre trúc của người Êđê góp mặt trong Chương trình "Âm vang đại ngàn" phục vụ công chúng và du khách khi đến TP. Buôn Ma Thuột.

PGS.TS Tuyết Nhung Buôn Krông (Trung tâm Khoa học, Xã hội và Nhân văn – Trường Đại học Tây Nguyên) cho rằng: Vốn văn hóa dân gian hiện nay ở đô thị Buôn Ma Thuột đã mai một, thậm chí mất đi cơ sở thực hành, diễn xướng nên không thể phát triển, thăng hoa như xưa. Tuy nhiên, nó vẫn cứ âm thầm tồn tại, lan tỏa trong cộng đồng và không gian cho phép - và ở một khía cạnh nào đó, vốn văn hóa này vẫn có nhiều tác động đến đời sống xã hội dưới nhiều hình thức mới phù hợp với thời đại. Ví như âm nhạc cồng chiêng, nhạc cụ tre trúc, ca vũ, nghệ thuật dân gian, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống…, mặc dù không tồn tại theo một cấu trúc, hệ thống khăng khít như trước, nhưng lại có sự tiếp biến và dần trở thành hoạt động văn hóa - văn nghệ phổ biến, gần gũi để phục vụ đời sống của cộng đồng.

 

“Các hình thức nghệ thuật dân gian mô phỏng trên thực tế đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa ở cơ sở, thu hút  lượng khán giả đông đảo ở các kỳ hội diễn, các cuộc liên hoan, các ngày văn hóa được tổ chức ở các đô thị hiện nay”.

 
 
TS. Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam

Với cách nhìn đó, theo PGS.TS Tuyết Nhung, nên có hình thức bảo tồn, phát huy vốn văn hóa dân gian theo hướng cởi mở và đại chúng hơn nhằm thích ứng với cư dân đô thị hiện tại. Nói cách khác là căn cứ trên “yếu tố gốc” của vốn văn hóa dân gian để tái hiện, mô phỏng lại như một ngành khoa học ứng dụng thật sự nghiêm túc, đáp ứng nhu cầu tinh thần cho chính chủ nhân của nó và cho cả những đối tượng khác tham gia. Có thể nói, đây là giải pháp khả thi để khắc phục và vượt qua vấn đề được nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý quan tâm: “Bảo tồn không có nghĩa là bảo tàng vốn văn hóa dân gian trong lòng đô thị”(!).

Sinh động Buôn Ma Thuột

Ông Võ Tiến Dũng, Trưởng Phòng VH-TT TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ: Nhờ tiếp cận với ý tưởng này nên chính quyền sở tại đã và đang triển khai có hiệu quả việc bảo tồn văn hóa nói chung, nhất là văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn, từng bước hình thành rõ nét bản sắc văn hóa ở đô thị này. Ngoài việc tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao cho đồng bào dân tộc thiểu số tại 33 buôn làng, khối phố (định kỳ 2 năm/lần), UBND thành phố còn hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cộng đồng dân tộc ở đây tổ chức nhiều hoạt động văn hóa sôi nổi, thiết thực dựa trên yếu tố dân gian tiêu biểu như lễ hội truyền thống, diễn xướng cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, dân ca - dân vũ, thực hành nghi lễ và phong tục, tập quán cổ truyền tại nhiều buôn làng trong lòng đô thị như buôn Akô Dhông, Thăp Dprông (phường Tân Lợi), Ea Kô Tam (phường Tân Hòa), Kô Siêr (phường Tân Lập), Alê A (phường Khánh Xuân), buôn Ky (phường Thành Nhất), Kmrơng Prông B (xã Ea Tu), buôn Tuôr (xã Hòa Phú), buôn Bông (xã Cư Êbur) và làng Thái (xã Hòa Thắng)… 


Theo nhiều người đánh giá, những hoạt động trên dù là những “lát cắt”  từ bối cảnh gốc của lịch sử, văn hóa cộng đồng các dân tộc, nhưng lại gây ấn tượng mạnh cho công chúng bằng thị giác, thính giác hoặc mang lại niềm vui thích về mặt thẩm mỹ từ trang phục, vật dụng, nghệ thuật biểu diễn, tiết tấu âm nhạc cho đến trình bày ẩm thực, qua đó thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều người, nhiều thành phần trong đời sống xã hội hiện đại. Hơn thế, đó cũng là hoạt động có ý nghĩa, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.