Gìn giữ vật thiêng cho buôn làng
Sinh hoạt cộng đồng của đồng bào các dân tộc Êđê, M’nông thường gắn liền với các nghi lễ vòng đời, vòng nông nghiệp như: Lễ cúng bến nước, cúng cầu mưa, cúng đầu năm…
Trong những nghi lễ ấy không thể thiếu được những vật dụng bằng đồng gồm: chân đèn (gơng diêng), nồi đựng than (gŏ pui), ống điếu hút thuốc (đing hăt), hộp đựng thuốc (đưm hăt)… Những vật dụng này được xem như vật thiêng của buôn làng. Những bộ vật thiêng này hiện còn được nhiều người già ở các buôn làng của xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) gìn giữ như báu vật…
Chân đèn (gơng diêng) giống như chân đèn trong bộ “tam sự” của người Kinh dùng để cắm nến. Nồi đựng than (gŏ pui) để chứa than đốt, theo quan niệm của đồng bào, trong cuộc sống của con người không thể thiếu lửa, đây là nguồn năng lượng biểu thị cho sự sung mãn, hạnh phúc nên mỗi khi cúng, than sẽ được bỏ vào trong nồi đốt đỏ lên, đó còn là nguồn lửa cho Yàng châm thuốc hút. Ống điếu hút thuốc (đing hăt) để cho Yàng sử dụng vì đây là vật dụng gắn liền hằng ngày với đồng bào, đặc biệt mỗi khi lên rẫy dù đàn ông hay đàn bà đều ngậm ống điếu để hút thuốc cho ấm lòng. Ngoài ra còn có tô đồng để dựng máu của vật hiến tế Yàng…
Bộ vật thiêng của buôn Ngô A do ông Y Bhơn Byă gìn giữ. |
Theo ông Y Suôm Niê (thường gọi Ama Đung), dân tộc M'nông, người có uy tín ở buôn Ngô A (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) cho biết, chỉ trong lễ cúng bến nước, cúng đầu năm, cúng cầu mưa và khi mổ trâu mừng thọ, những vật thiêng đó mới được đem ra sử dụng (nếu mừng thọ mà chỉ cúng gà, heo hoặc bò thì vẫn chưa được sử dụng). Mỗi buôn chỉ có một bộ vật thiêng do người chủ bến nước đầu tiên trong buôn mua sắm và được truyền từ đời này sang đời khác gìn giữ, có những bộ có tuổi đời hàng trăm năm. Trường hợp những người đời sau của dòng họ không phải là chủ bến nước thì khi trong buôn tổ chức lễ cúng, già làng hoặc trưởng buôn phải đến gia đình đang gìn giữ bộ vật thiêng mượn về sử dụng, sau khi hoàn tất lễ phải đem trả lại cho chủ nhân.
Bà Amí Hiên (70 tuổi, dân tộc M’nông), ở buôn Đăk Tuôr (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) là con cháu đời thứ sáu của dòng họ Mdrang hiện đang gìn giữ bộ vật thiêng trên trăm tuổi. Bà chia sẻ, bộ chân đèn, nồi đựng than, ống điếu hút thuốc nếu chỉ nhìn bên ngoài thì đó là những vật dụng thông thường, không có giá trị lớn về tiền bạc. Giá trị của chúng là ở chỗ mỗi buôn chỉ có một bộ, không phải ai cũng tùy tiện được sử dụng, mỗi lần cúng thì các vật dụng này được phết máu của con vật tế Yàng. Đặc biệt bộ chân đèn bà đang giữ đã được phết máu của 6 con trâu khi mừng thọ cho 6 đời chủ nhân gìn giữ nó nên rất quý, không còn là của riêng gia đình mà đã trở thành vật thiêng của cả buôn làng.
Trong trí nhớ của ông Y Bhơn Byă (thường gọi Ama H’Ring, 70 tuổi, dân tộc M'nông) ở buôn Ngô A (xã Hòa Phong), kể cả những năm kháng chiến ác liệt nhất, dù phải băng rừng, lội suối suốt 12 ngày đêm đi sơ tán, những vật dụng khác có thể bỏ lại nhưng bộ vật thiêng này thì mẹ vợ của ông Y Bhơn là bà H’Jáo Niê luôn gùi trên lưng, mang bên mình chứ không để thất lạc. Sau khi cha mẹ vợ qua đời, Ama H’Ring là đời thứ tư được dòng họ giao trách nhiệm gìn giữ, tính đến nay bộ vật thiêng này cũng đã có tuổi đời 100 năm…
Tương tự, các bà Amí Dơn (75 tuổi, ở buôn Cư Phiăng), Amí H’Ruin (75 tuổi, ở buôn Tliêr), đều là dân tộc Êđê vào năm 1964 bị địch dồn về ấp chiến lược Ea Yông B (nay thuộc huyện Krông Pắc), sau ngày giải phóng trở về lại buôn sinh sống dù phải di chuyển nhiều lần, nhiều nơi nhưng vẫn gìn giữ nguyên vẹn bộ vật thiêng của dòng họ cho đến tận ngày nay. Hiện nay buôn Cư Phiăng và Tliêr đã chuyển chủ bến nước sang dòng họ khác nhưng mỗi khi có lễ cúng trong buôn đều đến nhà các bà để mượn bộ vật thiêng quý giá này.
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc