Multimedia Đọc Báo in

Thăm nhà máy thủy điện cổ ở Sa Pa

15:00, 30/06/2020

Nằm bên dòng thác Tiên Sa hùng vĩ, di tích Nhà máy thủy điện Cát Cát như một nét chấm phá cho bức tranh khu du lịch bản Cát Cát – một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Sa Pa (tỉnh Lào Cai) thêm hấp dẫn, mời gọi du khách muôn phương.

Men theo triền thung lũng trên con đường nhỏ dốc đứng từ trên bản xuống khu vực thác, mở ra trước mắt khung cảnh thiên nhiên kỳ thú với bạt ngàn cỏ cây hoa lá chen tiếng suối reo, thác đổ, nổi bật hình ảnh cây cột điện bằng sắt đã cũ kỹ rêu phong, gắn tấm bảng nhỏ với dòng chữ có sức gợi nhớ: Cột điện có từ năm 1925

a
Cây cột điện rêu phong

Dòng thông tin ngắn gọn khiến du khách không khỏi tò mò, ngạc nhiên: Từ cách đây gần 1 thế kỷ mà nơi thâm sơn cùng cốc này đã có điện? Nguồn điện thế nào, vận hành ra sao, cung cấp đến đâu…

a
Hệ thống cột và dây điện chạy theo sườn dốc đứng

Đường dây nối dài qua hàng cột điện chênh vênh một cách kiêu hãnh trên sườn dốc đứng thêm khơi gợi trí tưởng tượng, dẫn dắt du khách không ngại ngần băng qua cầu treo vắt qua đập tràn trên dòng suối Tiên, tiếp tục men theo triền dốc xuống sâu hơn về phía ngọn thác đang ào ạt tung bọt trắng xóa. Khi bức tường nước đã chắn ngang trước mắt cùng bức mành rễ cổ thụ chằng chịt trên những phiến đá khổng lồ sắc nhọn ngay dưới chân, cũng là lúc rợn ngợp trước thiên nhiên kỳ vĩ, hoang dã. Rợn ngợp hơn khi bám theo những bậc đá chênh vênh trèo ngược lên nhà thủy điện để tìm hiểu ngọn nguồn về chiếc cột điện đã gần 100 tuổi chênh vênh kiêu hãnh trên sườn dốc bên kia. 

a
Dấu tích đập tràn trên suối Tiên

Thông tin còn lưu giữ nơi đây khá ít ỏi, nhưng khá thú vị về về một công trình thủy điện cổ. Theo đó, thủy điện Cát Cát là một trong những công trình thủy điện đầu tiên ở Việt Nam cũng như ở Đông Dương, được người Pháp xây dựng vào năm 1925.

a
Di tích nhà thủy điện trên sườn núi

Thời ấy, nơi đây địa thế cách biệt, địa hình hiểm trở, nên việc xây dựng công trình thủy điện hết sức kỳ công. Nguyên vật liệu, sắt thép từ Hà Nội, cát xây dựng từ Cốc San, tất cả theo chân phu phen vượt đèo núi cheo leo đến tận Cát Cát, hình thành nên nhà máy thủy điện với đập tràn trên dòng suối Tiên thơ mộng, nhà điều hành bên ngọn thác Tiên Sa hùng vĩ .  

a
Hệ thống điều khiển...

 

a
và hệ thống máy phát điện nhà máy thủy điện cách đây gần 100 năm

Công trình có công suất thiết kế ban đầu là 50 kw/h, chủ yếu phục vụ cho sĩ quan và binh lính Pháp tại Sa Pa. Đến năm 1953, trong phong trào tiêu thổ kháng chiến, hệ thống máy được di chuyển về Yên Bái nên công trình ngừng hoạt động. Đến năm 1960, người Ba Lan xây dựng Trạm Vật lý địa cầu tại huyện Sa Pa đã giúp khôi phục lại nhà máy thủy điện Cát Cát với một bộ máy khác sản xuất tại Ba Lan, đưa công suất lên 100 kw/h, cung cấp điện cho Trạm Vật lý và một số cơ quan đầu não của huyện. Nhà máy hoạt động liên tục đến năm 1979, trong thời kỳ xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc thì phục vụ thêm nhu cầu dân sinh thị trấn Sa Pa theo hình thức luân phiên cách ngày.   

a
Thác Cát Cát năm 1930 (ảnh chụp trưng bày trong di tich nhà thủy điện )

  

a
Thác Cát Cát hiện nay

Đến tháng 3-1993, cùng với sự phát triển của ngành điện Việt Nam, nơi đây được sử dụng điện lưới quốc gia. Nhà máy thủy điện Cát Cát ngừng hoạt động, chấm dứt vai trò sau quãng thời gian hàng chục năm cung cấp điện cho một vùng núi cao.

Trải qua thời gian, dấu tích nhà máy không còn nhiều, nhưng dòng suối Tiên thơ mộng cùng dòng thác Tiên Sa bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ vẫn còn nguyên đó, và cây cột điện nhuốm màu thời gian vẫn kiêu hãnh vươn cao giữa núi rừng,  giúp du khách tìm hiểu giá trị và chứng tích của ngành điện Việt Nam, giúp cho bức tranh du lịch Sa Pa thêm đa dạng sắc màu.

Hoa Hồng

 

 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.