Multimedia Đọc Báo in

Gốm Ka Noonh của người Cơ Tu

15:21, 10/07/2020

Làng Ka Noonh thuộc xã Ch’Om (nay là thôn Ka Noonh, xã A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) nằm ở vùng núi cao giáp với nước bạn Lào, với 100% dân số là đồng bào dân tộc Cơ Tu...

Hơn 300 năm trước, người Cơ Tu làng Ka Noonh đã từng bước hình thành và phát triển nên nghề gốm thủ công để đáp ứng các nhu cầu trong cuộc sống hằng ngày.

Nghề gốm làng Ka Noonh liên tục phát triển. Đến những năm 1980 làng gốm vẫn còn sản xuất ra các loại nồi, trã, hũ, chóe phục vụ nhu cầu trong đời sống của người dân địa phương. Làng gốm Ka Noonh xưa kia nhộn nhịp và đông vui lắm, ngày ấy con gái Cơ Tu ở Ka Noonh từ 7 tuổi trở lên đã được bà, mẹ, chị bày cách làm gốm; con trai Cơ Tu trong làng lấy vợ đều chọn cô gái làm gốm giỏi.

Người Cơ Tu làng Ka Noonh giã đất chuẩn bị làm gốm.
Người Cơ Tu làng Ka Noonh giã đất chuẩn bị làm gốm.

 Do làng Ka Noonh nằm sát ven suối K'ool nên tại sân làng có nhiều tảng đá, trong đó có một tảng đá lớn tương đối bằng phẳng. Công việc làm gốm chủ yếu là do phụ nữ Cơ Tu đảm nhận. Đất sét K’ool được trộn đều với nước và dùng chày giã cho đến khi đất có độ dẻo thích hợp. Khi đất đã nhuyễn thì người ta bắt tay chế tác đồ gốm. Để tạo ra sản phẩm, người phụ nữ Cơ Tu ngồi nhổm hoặc đứng khom người, một tay giữ lấy hình khối đất, tay kia đồng thời ấn vào bên trong để tạo dáng và họ luôn di chuyển theo vòng tròn đến khi sản phẩm hoàn thành. Bà con làng Ka Noonh làm gốm hoàn toàn thủ công. Công cụ để làm gốm chỉ có một cọng tre hoặc lồ ô dát mỏng, lá chuối non để chống dính và một quả bầu nước để thoa khi thao tác không bị dính tay. Khi sản phẩm đã hoàn thành, họ dùng cọng tre dát mỏng uốn cong gọt sửa để tạo dáng đẹp hơn. Gốm đẹp hay xấu là phụ thuộc vào tay nghề của từng người làm.

Đồ gốm được đem để vào trong bóng râm, dùng lá chuối đậy lại che nắng mưa để gốm không bị nứt hoặc nát ra. Khi gốm đã khô, bà con mang gốm xếp thành từng lớp theo dạng hình khối và sắp củi dày vào nhau để nung. Khâu nung cũng quan trọng vì sẽ quyết định đến việc gốm đẹp hay xấu, củi đốt lúc đầu phải nhỏ lửa tránh để gốm bị nứt và đốt chừng nửa ngày thì dừng lại rồi để chừng hai ngày cho gốm nguội đi là có thể mang dùng được.

Quy trình làm gốm của người Cơ Tu làng Ka Noonh hoàn toàn thủ công.
Quy trình làm gốm của người Cơ Tu làng Ka Noonh hoàn toàn thủ công.

Nghề gốm làng Ka Noonh đã mở ra một bước ngoặt cho sự phát triển làng nghề thủ công truyền thống của cộng đồng người Cơ Tu trên vùng Trường Sơn tại xã vùng cao A Xan, huyện Tây Giang (Quảng Nam). Ngày nay, do nhiều dụng cụ bằng đồng, nhôm từ vùng đồng bằng được mang lên buôn bán nên đồ gốm chỉ còn được sử dụng tại một số ít gia đình. Năm 2019, các thôn Ka Noonh 1 và Ka Noonh 2 sáp nhập và đổi tên thành Ka Noonh như bây giờ. Thôn Ka Noonh hiện có 172 hộ với 678 nhân khẩu (tính đến tháng 5-2020), đều là người Cơ Tu sinh sống lâu đời. Tuy nhiên, đến nay số người biết làm gốm trong thôn chỉ còn lại vài ba người đã lớn tuổi, thanh niên nam nữ Cơ Tu ở làng bây giờ hầu hết không biết làm gốm…

Nguyễn Văn Sơn
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.