Nặng lòng với văn hóa Mường
Tự hào với kho tàng văn hóa vô cùng phong phú của dân tộc mình, những người Mường sống xa quê hương đã luôn nỗ lực giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa độc đáo ấy trên đất Tây Nguyên...
Rời quê hương Thanh Hóa vào sinh sống, lập nghiệp tại xã Ea Păl (huyện Ea Kar) từ năm 1992, bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế gia đình, bà Lương Thị Nhã (dân tộc Mường) luôn nhiệt tình tham gia công tác xã hội ở địa phương.
Bà Lương Thị Nhã (thôn 9, xã Ea Păl, huyện Ea Kar) điều hành một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Văn hóa dân tộc Mường xã Ea Păl. |
Với vai trò người có uy tín, hằng năm, bà Nhã đứng ra kết nối những người con xa quê, sinh sống ở các xã Ea Păl, Ea Ô, Cư Ni, Ea Đar, Ea Sar, Cư Elang (huyện Ea Kar) và xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) cùng hội tụ trong lễ hội mừng Xuân theo truyền thống văn hóa dân tộc Mường. Họ cùng hòa mình trong tiếng cồng chiêng, điệu múa pồn pôông, hát xường, hát đang, nhảy sạp và các trò chơi dân gian, giao lưu bóng chuyền, thi ẩm thực với nhiều món ăn mang đậm bản sắc dân tộc Mường. Đầu năm 2019, sau nhiều lần vận động, tranh thủ tiếng nói của người có uy tín trong cộng đồng người Mường ở các xã và sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, bà Nhã đã thành lập Câu lạc bộ Văn hóa dân tộc Mường xã Ea Păl với 101 hộ thành viên.
Theo bà Nhã, câu lạc bộ đã trở thành “mái nhà chung”, là nơi gặp gỡ, sinh hoạt, tập luyện để cùng giao lưu trong Ngày hội văn hóa Mường hằng năm. Các thành viên câu lạc bộ có trách nhiệm truyền dạy cho thế hệ trẻ tiếng nói, bài hát, các trò chơi dân gian của dân tộc Mường. Hy vọng thông qua hoạt động của câu lạc bộ, những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường sẽ được duy trì, phát huy...
Cùng chung tình yêu và mong muốn giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc, ông Bùi Văn Trinh (dân tộc Mường Thanh Hóa) hiện sinh sống ở thôn 1, xã Ea Ô (huyện Ea Kar) cũng đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết.
Từ lúc mới 12 tuổi, ông Trinh đã được bố truyền dạy các câu hát, những bài mo Mường, nghi thức tâm linh trong đám ma, các lễ nghi trong đám cưới truyền thống. Năm nay đã 73 tuổi nhưng ông Trinh vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát và được xem như “bảo tàng sống” về văn hóa Mường. Ông có thể ngồi hàng giờ đồng hồ để kể về sự ra đời, ý nghĩa của từng bài xường cổ, từng câu hát giao duyên; đọc vanh vách 342 bài xường cổ của người Mường Thanh Hóa, hàng nghìn câu mo Mường và 115 áng mo tâm linh và mo cầu vía cho người sống...
Ông Bùi Văn Trinh (thôn 1, xã Ea Ô, huyện Ea Kar) thể hiện những câu hát dân gian của dân tộc Mường. |
Mặc dù đã chuyển vào xã Ea Ô sinh sống hơn 30 năm nhưng khi ở quê nhà cần, ông Trinh luôn sẵn lòng tham gia các hoạt động góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc. Năm 2017, loại hình Múa hát pồn pôông của người Mường Thanh Hóa đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Vinh dự, tự hào bao nhiêu, ông càng nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc lưu truyền vốn văn hóa quý báu của dân tộc. Không chỉ tham gia nhiệt tình trong việc vận động, thành lập Câu lạc bộ Văn hóa dân tộc Mường xã Ea Păl, ông còn sẵn sàng truyền dạy những bài xường cổ, những câu hát đối đáp cho bất kỳ ai có nhu cầu.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc