Multimedia Đọc Báo in

Những đôi chân trần phiêu du miền đất đỏ

06:43, 19/07/2020
Trong hành trình khám phá cao nguyên đất đỏ, điều để lại ấn tượng trong tôi là những bước chân không mỏi của đồng bào nơi đây. Những đôi chân trần bám chặt vào đất, vách núi khi lên rẫy hay nhẹ nhàng, nhún nhảy theo điệu xoang bất tận trong đêm hội đại ngàn.

Gần đây nhất, tôi có dịp tham dự Lễ cúng cầu mưa của đồng bào Êđê ở buôn Ayun (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar). Tham gia lễ cúng, già làng, đội đánh cồng chiêng, sơn nữ Êđê... đều diện trang phục thổ cẩm và đi chân trần. Đặc biệt trong phần cúng bến nước, những thành viên tham gia Lễ cúng đều đi bộ, những đôi chân trần cứ thế băng qua triền đồi cà phê dài cả cây số. Bất ngờ cơn mưa rào ập đến, con đường đất đỏ bazan đang khô cứng bỗng nhũn mềm ra khiến ai mang giày cao, dép thấp cũng một phen chao đảo, té ngã; riêng những đôi chân trần vẫn thong dong bám chặt vào mặt đất sải bước tự tin.

Chị H’Lim Ayun (buôn Ayun) cho biết, đã quen với việc đi chân trần lên rẫy, nhất là vào mùa mưa. “Ở đây toàn đất đỏ bazan, mùa nắng tung bụi mịt mù, nhưng hễ có cơn mưa nhẹ thoảng qua liền nhão nhoẹt, trơn trượt. Gặp cảnh này, mình chỉ còn cách tháo giày dép ra đi chân đất nếu không sẽ bị té ngã. Còn những ngày buôn làng mở hội, mình vẫn ý thức việc đi chân trần khi tham gia vào nghi lễ cúng để tưởng nhớ thời cha ông dựng xây buôn làng bằng những đôi chân trần”.

Những cô gái Êđê đi chân trần trong một lễ hội.
Những cô gái Êđê đi chân trần trong một lễ hội.

Già Ama Khuên (buôn Ayun) cho biết thêm, chính những đôi tay, bàn chân trần thô ráp của ông bà từ thuở hồng hoang đã khai phá lập nên buôn làng hôm nay. Bản thân già khi còn trai tráng cũng phiêu bồng khắp chốn bằng đôi chân trần không biết mỏi.

Ngắm đôi bàn chân trần nâu sẫm, nứt nẻ in hằn dấu vết thời gian, già Ama Khuên kể: “Thời của già vẫn còn hoang sơ lắm, cây cối um tùm nên mọi thứ đều tự mình dựng nên, cả con đường cũng tự mình khai phá. Đàn ông tráng khỏe trong làng đảm nhận việc chặt cây làm nhà. Ai đi nhiều, lội khỏe, chinh phục nhiều sông, núi thì dân làng càng nể trọng. Những đứa trẻ sinh ra trên cao nguyên vì thế sớm chạm chân vào đất, được truyền khát vọng chinh phục thiên nhiên mỗi khi theo mẹ lên rẫy tra hạt; cùng cha xuống suối bắt cá, lên rừng hái măng, tìm mật...".

Tất cả những điều ấy hun đúc nên người con núi rừng dũng mãnh, tạo nên một bề dày văn hóa đặc sắc riêng có của đồng bào Tây Nguyên. Vậy nên, dù cuộc sống buôn làng đã nhiều đổi thay, thế hệ con cháu vẫn không quên cội nguồn của mình. Trong các nghi lễ cúng Yàng (thần linh) con cháu đều tự ý thức việc mang trang phục thổ cẩm hay đi chân trần để tưởng nhớ thời cha ông khai phá xây dựng buôn làng.

Ngày thường, những đôi chân trần thô ráp băng rừng, lội suối lên nương trỉa bắp, trồng cà phê, gieo hạt lúa hay lội sông bắt cá... Khi buôn làng mở hội, đôi chân ấy được gột sạch bụi trần, quấn quyện trong vòng xoang, trong ánh lửa, trong nhịp cồng chiêng đắm say, huyễn hoặc. Đôi chân trần lúc này như đang thì thầm với đất mẹ, nhỏ to đủ điều, nguyện cầu thần linh ban mùa màng tốt tươi cho buôn làng no ấm. Người dân tạm quên đi những suy tư trong cuộc sống để trở về với cội nguồn nơi con người quyện chặt cùng mẹ thiên nhiên.

Thanh Thủy

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.