Tôn vinh di sản văn hóa với tà áo dài
Trong chương trình “Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội, bộ sưu tập (BST) bằng chất liệu thổ cẩm, mang chủ đề “Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” của nhà thiết kế (NTK) Nguyễn Thành Trung (Trung Beret) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng.
Tôn vinh vẻ đẹp áo dài
Chương trình giới thiệu đến công chúng hơn 1.000 mẫu áo dài của 21 NTK trong cả nước qua 21 bộ sưu tập, được lấy cảm hứng từ các di sản văn hóa như: “Vịnh Hạ Long” (NTK Nguyễn Thúy), “Hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc” (NTK Vũ Trần Đức Hải), “Danh thắng Tràng An” (NTK Hùng Việt), “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” (NTK Minh Minh), “Cao nguyên đá Đồng Văn” (NTK Hoài Nguyễn), “Hoàng thành Thăng Long” (NTK Nhi Hoàng), “Ca trù” (NTK Hà Duy), “Tín ngưỡng thờ Mẫu” (NTK Trần Thiện Khánh), “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” (NTK Trung Beret)… Đây là những di sản văn hóa Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, được các NTK sáng tạo đưa hình ảnh, vẻ đẹp lên những tà áo dài truyền thống một cách tinh tế và mang nhiều thông điệp ý nghĩa.
Nhà thiết kế Nguyễn Thành Trung cùng Á hậu doanh nhân quốc tế Vũ Thị Hồng Nga tại chương trình "Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam". (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Lâu nay, áo dài được “mặc định” là trang phục truyền thống của người Việt Nam. Hình ảnh người phụ nữ mặc áo dài xuất hiện ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới cũng không bao giờ bị nhầm lẫn với một trang phục nào khác, vì nó rất riêng biệt, rất Việt Nam. Giữa vô vàn mẫu thời trang hiện nay, áo dài vẫn luôn được nhiều chị em lựa chọn. Thế nhưng, đến nay áo dài vẫn chưa hề có “danh hiệu” hay chứng nhận là một di sản. Chương trình "Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam" hay những hoạt động như đồng diễn áo dài… chính là cách trao cho áo dài một vị trí quan trọng, xứng với vị trí là trang phục truyền thống tiêu biểu của dân tộc và với tình cảm yêu quý của người dân Việt Nam dành cho chiếc áo dài.
"Di sản trong di sản”
NTK Trung Beret (TP. Buôn Ma Thuột) mang đến chương trình "Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam" BST áo dài gồm 16 thiết kế mang chủ đề “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” (KGVHCCTN). Chia sẻ về ý tưởng thiết kế BST, anh Trung cho biết, là người con sinh ra và lớn lên tại Đắk Lắk, anh có tình yêu sâu đậm với vùng đất Tây Nguyên giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi một nét văn hóa đều mang đến cho anh những cảm xúc khó tả, từ điệu cồng chiêng cho đến thổ cẩm rực rỡ hay vẻ hùng vĩ của núi rừng đại ngàn… Chính vì vậy, anh đã nung nấu ý tưởng và thiết kế BST mang đậm dấu ấn này.
Á hậu doanh nhân quốc tế Vũ Thị Hồng Nga, người được chọn làm mẫu trình diễn áo dài trong BST KGVHCCTN của NTK Trung Beret chia sẻ: "Tôi rất tự hào, xúc động khi trình diễn, cảm nhận trong tà áo dài đã hiện diện một trong những di sản văn hóa của Việt Nam và khẳng định chiếc áo dài cũng là một di sản văn hóa đặc sắc". |
Cồng chiêng gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của đồng bào Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ. Nó được xem là phương tiện kết nối những con người trong cùng một cộng đồng thông qua các buổi lễ hội. Từ ý nghĩa đó, NTK Trung Beret đã sử dụng chất liệu thổ cẩm, khéo léo sắp đặt các hoa văn truyền thống cùng với màu sắc rực rỡ... lên tà áo dài một cách tinh tế để công chúng quan sát, cảm nhận được một đại ngàn hùng vĩ, một không gian đầy màu sắc Tây Nguyên, sự gắn kết, yêu thương của các dân tộc từ chính những tà áo dài. Theo anh Trung, không phải cứ đưa hình ảnh của chiêng lên tà áo dài là mình muốn giới thiệu về KGVHCCTN, mà thông qua ý nghĩa, cách trình diễn… công chúng có thể cảm nhận được cái hồn của BST. Không những vậy, chất liệu thổ cẩm sử dụng cho BST được dệt tay hoàn toàn là một cách khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tôn vinh giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Một thiết kế trong bộ sưu tập "Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên" của NTK Trung Beret. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Đưa BST với chủ đề KGVHCCTN biểu diễn tại chương trình "Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam", NTK Trung Beret muốn nhấn mạnh “di sản trong di sản”, ý tưởng gắn áo dài với di sản Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã tạo ra một diện mạo mới, sinh động hơn và góp phần khẳng định vị thế của áo dài. Hơn nữa, anh mong rằng, việc ứng dụng thổ cẩm truyền thống vào thời trang sẽ góp phần khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống, giúp đồng bào dân tộc thiểu số có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Trình diễn bộ sưu tập "Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên" tại chương trình "Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam". (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Hy vọng, thông qua những sáng tạo nghệ thuật, không chỉ NTK Trung Beret mà tất cả những NTK đầy tâm huyết khác sẽ góp phần “định danh”, “định vị” áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam trong thời gian tới; đồng thời, tôn vinh những di sản đã được công nhận, nâng chúng lên một tầm cao mới.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc