Về Vàm Lũng - bến cuối cùng của những con tàu không số
Chúng tôi về thăm Di tích lịch sử Bến Vàm Lũng cách TP. Cà Mau gần 100 km theo hướng Quốc lộ 1 về phía Nam, thuộc ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (nay là thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển).
Đây chính là bến cuối cùng trong hệ thống các bến, cảng đón “Đoàn tàu không số” vượt hàng nghìn ki-lô-mét đường biển để chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Do những yêu cầu bức thiết về vũ khí, đạn dược tiếp tế cho chiến trường miền Nam, sau Nghị quyết 15 (13-1-1959), Trung ương đã chỉ đạo thành lập “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Đây là con đường bí mật được giao cho lực lượng Hải quân nhân dân đảm trách, vận chuyển vũ khí vào Nam. Đoàn 962 là đơn vị tiếp nhận vũ khí bằng đường biển từ những con tàu không số của Đoàn 125, địa bàn hoạt động dọc từ Bến Tre đến Cà Mau cũng được ra đời từ ấy. Ngoài ra, Đoàn 962 còn có nhiệm vụ bảo vệ kho tàng, phân phối vũ khí, đạn dược cho chiến trường Tây Nam Bộ lúc bấy giờ. Những người con của đất mũi Cà Mau và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã về đây xây dựng, chiến đấu, bảo vệ những “Bến cảng giữa rừng”. Tính đến cuối năm 1970, Bến Vàm Lũng đã tiếp đón trên 70 chuyến tàu với hơn 4.400 tấn vũ khí, đạn dược, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tượng đài Di tích lịch sử Bến Vàm Lũng. |
Trở về thăm chiến trường xưa, Đại tá Nguyễn Xuân Lai, nguyên đài trưởng vô tuyến điện trên tàu Phương Đông 1, con tàu đã đổ chuyến hàng đầu tiên với 40 tấn vũ khí đạn dược ở bến Vàm Lũng xúc động nhớ lại: “Đêm 11-10-1962, chúng tôi rời bến Đồ Sơn với thủy thủ đoàn gồm 12 người. Tàu đánh vòng ra hải phận quốc tế, rồi lần về phía Nam. Sau 7 ngày hành trình, chúng tôi vào Vàm Lũng. Tàu được đưa vào Rạch Chùm Gọng bốc dỡ hàng. Chuyến hàng đầu tiên đã đến nơi an toàn trong niềm vui khôn xiết của quân dân ta".
Có một điều khiến kẻ địch phải thắc mắc và khâm phục: Những bến cảng, kho tàng nằm rải rác ở ven biển Cà Mau với một diện tích khá rộng lớn, kéo dài từ Gành Hào đến Kinh Nam Khai Long, trong một vùng có nhiều dân cư nhưng chưa bao giờ bị lộ dấu vết! Nhân dân ta đã hết lòng che chở, đùm bọc và bảo vệ tuyệt đối bí mật các căn cứ của cách mạng. Có rất nhiều con em của nhân dân Cà Mau đã tham gia vào Đoàn 962 khi tuổi còn rất nhỏ. Như câu chuyện của chị Chung Ngọc Nhãn, nguyên Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau: “Cha tôi là ông Chung Thành Châu, Chính ủy đầu tiên của Đoàn 962. Sau khi ông hy sinh, các chú, các bác của Đoàn 962 đã tìm cách đưa tôi vào vùng giải phóng và gửi tôi ra miền Bắc học tập. Lúc ấy, tôi mới có mười hai tuổi. Tôi đã đi dọc Trường Sơn, khi thì bằng xuồng, khi thì bằng xe bò, khi thì đi bộ, khi thì được các cô chú cõng, vác trên vai…”.
Bức phù điêu ở khu Di tích lịch sử Bến Vàm Lũng khắc họa bộ đội vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. |
Người dân Cà Mau vẫn còn nhớ câu chuyện vận chuyển hai trái thủy lôi sừng chạm KB của Liên Xô, mỗi trái nặng 1.075 kg từ bến Cà Mau mà nay được kể lại như huyền thoại. Hai trái thủy lôi này xuất phát từ một kho bí mật của Đoàn 962 ở Rạch Gốc, trong lúc di chuyển bị rơi xuống lòng rạch do quá nặng. Một chiếc ghe có trọng tải 3 tấn được nhận chìm kế đó, nhiều người lặn xuống nước để đưa hai trái thủy lôi vào khoang rồi nâng ghe lên và tát cạn nước ra. Hai trái thủy lôi lại theo ghe ra biển tiếp tục hành trình. Trên hành trình vận chuyển ấy, chiếc ghe vào bờ thì bị quân ta bắn nhầm, ra biển thì bị máy bay địch quần đuổi. Sau nhiều trắc trở, cuối cùng hai trái thủy lôi cũng đến được với đặc công thủy Rừng Sác (TP. Hồ Chí Minh). Chính những trái thủy lôi này đã góp phần đánh chìm con tàu Balon Ronge Victory có trọng tải trên 2 vạn tấn của Hải quân Hoa Kỳ trên sông Lòng Tàu vào tháng 8-1966.
Đoàn Hải quân 962 và nhân dân Cà Mau đã góp phần không nhỏ cùng với các đơn vị khác làm nên kỳ tích của "Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển". Sau khi tham quan Bến Vàm Lũng, chúng tôi giã từ Đất Mũi thân thương, anh hùng… Nắng và gió biển Cà Mau hôm ấy bỗng trở nên rực rỡ, dịu dàng…
Đặng Hoàng Thám
Ý kiến bạn đọc