Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo lễ cúng giải hạn của người Mường ở Mai Châu

10:21, 02/08/2020
Piềng Vế, Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) đón chúng tôi bằng một cơn mưa rừng. Mùi của đất xộc lên khiến những người khách đường xa nao nao đủ thứ cảm xúc khó tả. Sau nhiều lần gọi điện hỏi đường, đến nơi trời cũng xế chiều.
 
Cái se lạnh của hoàng hôn miền sơn cước lập tức được sưởi ấm bởi cái bắt tay, nụ cười hồ hởi, chén rượu cay nồng và mâm cơm toàn đặc sản như: măng xào, gà chạy bộ, ốc núi... Hôm sau gia chủ sẽ làm lễ cúng giải hạn. Đây là một trong những nghi lễ lớn nhất nhì trong năm của người Mường ở Mai Châu.
 
Sáng sớm tinh mơ, chúng tôi đã thức giấc bởi tiếng người nói cười, tiếng nồi niêu, dao thớt rổn rảng. Căn nhà sàn ba gian, khoảnh sân rộng đâu đâu cũng thấy người. Họ hàng, làng xóm, bạn bè thân thiết quây quần từ sớm để cùng chung tay với gia chủ chuẩn bị các lễ vật. Mỗi người một tay, chỗ này dựng dàn cúng, chỗ kia nhóm bếp, nhặt rau, đồ xôi… Mọi thứ được chuẩn bị chu đáo với lòng thành kính mong muốn xua đuổi những vận hạn, xui xẻo để rước về bình an, may mắn.
 
Giàn cúng được làm bằng tre cao khoảng 2 m gồm nhiều tầng. Phía trên được trải một tấm vải thổ cẩm. Vật phẩm dâng lên gồm có 12 con gà, 2 con vịt, 1 con lợn và 1 con chó. Lễ vật chay gồm: xôi, sắn, khoai... và nhiều món ăn độc đáo làm từ hoa đu đủ. Ngoài ra còn có những trang sức được khéo léo đan bằng tre. Buổi sáng sẽ cúng chay, buổi chiều cúng mặn. Người thực hiện nghi lễ này bắt buộc phải là người bên ngoại, đeo khăn trắng...
 
Thầy mo chiêu gọi thần linh.
Thầy mo chiêu gọi thần linh.
Một thanh tre được dựng từ mái nhà xuống đến mâm thờ đồng thời dải khăn trắng được người Mường quan niệm là chiếc cầu để dẫn thần linh xuống thụ lộc và phù hộ cho gia chủ. Thầy mo được mời về làm lễ là người có kinh nghiệm, chức sắc trong làng xã, có tiếng tăm trong vùng. Một người sẽ được giao nhiệm vụ rước thầy đến. Các con vật để làm lễ phải được giữ sống cho đến khi thầy cho phép làm thịt.
 
Buổi sáng, thầy mo sẽ kể các sử thi của người Mường như “Đẻ đất đẻ nước”... bằng tiếng Mường, đồng thời chiêu gọi thần linh. Sử thi “Đẻ đất đẻ nước” được coi là bộ bách khoa toàn thư về phong tục của người Mường, ở đó lịch sử của người Mường được tái hiện qua trí tưởng tượng trong trẻo, hồn nhiên, khoáng đạt đến kỳ lạ của con người. Dù không hiểu những gì thầy mo đang kể nhưng nó có một ma lực khiến tôi nghe như nuốt từng lời.
 
Tại lễ cúng giải hạn, không nhất thiết các thành viên trong gia đình phải ngồi khấn vái, chỉ cần đặt một bộ quần áo của mình ở nơi hành lễ. Tôi đứng ngoài bậu cửa lặng lẽ quan sát buổi lễ. Không khí linh thiêng khiến những bước chân của tôi cũng rón rén hơn, khẽ khàng hơn. Mọi nghi lễ diễn ra trong một ngày, sau đó mọi người vui vẻ ngồi ăn uống, chúc tụng nhau những điều may mắn.
 
Chúng tôi vội trở về Hà Nội trước khi trời tối. Những ánh mắt quyến luyến khiến chúng tôi tự hứa sẽ sớm quay lại Mai Châu. Bởi lẽ ở đây còn rất nhiều câu chuyện văn hóa mà chúng tôi chưa kịp khám phá trong chuyến đi ngắn ngủi này.
 
Đào Mạnh Long
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.