Multimedia Đọc Báo in

Đừng để đứt gãy mạch nguồn âm nhạc dân gian

11:44, 16/08/2020
Qua đợt khảo sát, kiểm kê vốn văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) thực hiện mới đây cho thấy, số nghệ nhân biết trình diễn và chế tác nhạc cụ dân tộc hiện còn là 668 người, trong đó, số nghệ nhân cao tuổi (trên 60) chiếm quá nửa. Đó là điều đáng quan tâm trong việc kế thừa, tiếp nối nguồn mạch vốn văn hóa này. 
 
Vắng dần những nghệ nhân
 
Số nghệ nhân trên hiện sống rải rác tại 606 buôn làng trên địa bàn 15 huyện, thị xã và thành phố. Những địa phương có nghệ nhân biết trình diễn và chế tác nhạc cụ dân tộc nhiều nhất là các huyện Cư M’gar, Krông Năng, Krông Bông, Lắk, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột.
 
Theo ngành văn hóa đánh giá, hầu hết những người nắm giữ vốn văn hóa này đều có hoàn cảnh khó khăn - hoặc là mất sức lao động, phải sống phụ thuộc vào con cháu, hoặc đối mặt với gánh nặng mưu sinh hằng ngày khiến họ phải rời xa, tạm quên âm thanh của nhạc cụ tre trúc gần gũi và quen thuộc kia.
 
Đơn cử như huyện Cư M’gar, số liệu khảo sát của Phòng VH-TT cho thấy: số nghệ nhân biết sử dụng nhạc cụ tre nứa chưa tới 130 người, trong đó nghệ nhân biết chế tác nhạc cụ chỉ còn khoảng 40 người. 
 
Nghệ nhân Y Mip Ayun, buôn Kô Siêr (TP. Buôn Ma Thuột) say mê với nhạc cụ dân tộc.   Ảnh: Hoàng Gia
Nghệ nhân Y Mip Ayun, buôn Kô Siêr (TP. Buôn Ma Thuột) say mê với nhạc cụ dân tộc. Ảnh: Hoàng Gia
Xã Ea Tul, vốn được xem là “chiếc nôi” sản sinh và lưu giữ vốn văn hóa dân gian của tộc người Êđê tại chỗ, nhưng theo Phó Chủ tịch xã Y Toàn Ayun, trên địa bàn 12 buôn của xã hiện còn 5 nghệ nhân là các cụ Y Wang H’wing, Y Kút Niê, Y Dhin Niê (buôn T’ria); Y Rang Kla (buôn Sah) và bà H’Ru Hwing (buôn Phơng) biết trình diễn các loại nhạc cụ dân tộc, còn việc chế tác thì ngoài cụ Y Wang ra, hầu như không còn ai. Những nghệ nhân ấy giờ cũng như ngọn đèn trước gió do tuổi cao, bệnh tật triền miên nên không thể đi lại và tham gia những hoạt động văn hóa - văn nghệ như trước được nữa.  
 
Nỗi lo kế thừa
 
Theo Phó Chủ tịch xã Y Toàn, đây là vấn đề đáng quan tâm, bởi so với 5 – 7 năm trước, số nghệ nhân biết trình diễn và chế tác nhạc cụ truyền thống đã giảm đi rất nhiều. Nguyên nhân thì quá rõ, ngoài việc những “báu vật sống” đã lần lượt về với “thế giới ông bà”, thì lớp trẻ không còn mặn mà với vốn văn hóa - văn nghệ dân gian này nữa.
 
"Âm nhạc dân gian  trong các buôn làng người dân tộc thiểu số tại chỗ đã và đang "đứt gãy" thật sự vì công tác đào tạo, truyền dạy, kế thừa chưa được chú trọng đúng mức về mặt nhận thức, cũng như các giải pháp về nhân lực và tài chính để thúc đẩy, chấn hưng như một di sản” – Nghệ sĩ Nhân dân Y San Aleo, Trưởng Đoàn ca múa dân tộc tỉnh Đắk Lắk.

Nghệ nhân Y Wang H’wing tâm sự: Ở buôn T’ria, trước kia người biết trình diễn, chế tác các loại nhạc cụ như kèn đing năm, đing tút, đing pơng, tak tà, klông pút, đàn T’rưng hay ching kram… nhiều lắm. Đặc biệt là dòng họ H’wing có hàng chục nghệ nhân am hiểu và nắm giữ vốn âm nhạc này; dần dà theo thời gian, do đời sống khó khăn - họ không kịp, hay nói đúng hơn là không có điều kiện, cơ hội  truyền lại cho con cháu thì tuổi già, bệnh tật tới, họ đi theo ông bà và mang vốn văn hóa đặc sắc ấy xuống mồ.

Đến nay, sau khi nghệ nhân Y Yêm H’wing, Y Bloh H’wing qua đời hồi cuối năm 2018, thì Y Wang được coi là nghệ nhân cuối cùng ở buôn T’ria còn gìn giữ được âm thanh tre trúc vốn quen thuộc và gần gũi của ông cha để lại.  
 
Nghệ nhân Y Wang H'wing năm nay đã bước vào tuổi 70, đang sống với vợ chồng cô con gái út. Cuộc sống gia đình chẳng dư dả gì, lại bị bệnh thấp khớp hành hạ vài năm nay, nên ông không đủ sức khỏe để đi khắp buôn xa, làng gần “thắp lửa” đam mê của mình cho thế hệ trẻ trong vùng như trước. Điều đó khiến ông ưu tư hơn khi ai đó hỏi đến câu chuyện kế thừa vốn âm nhạc dân gian ở đây - rằng những nghệ nhân già thì “lực bất tòng tâm”, còn lớp trẻ thì vì nhiều lý do khác nhau đã không còn để tâm đến tiếng đàn, tiếng kèn mộc mạc ấy nữa.     
 
Đình Đối
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.