Multimedia Đọc Báo in

Nao lòng trước vẻ đẹp bản làng vùng Tây Bắc

10:18, 02/08/2020
Sa Pa nổi tiếng với những địa danh du lịch có khung cảnh tuyệt đẹp như Đỉnh Fansipan, thác Tình Yêu, thung lũng Mường Hoa… hay những bản làng mang vẻ đẹp truyền thống của người dân Tây Bắc, trong đó không thể không kể đến bản Cát Cát.
 
Cách Sa Pa khoảng 3 km, bản Cát Cát thuộc xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai), là nơi sinh sống của gần 100 hộ đồng bào Hmông. Bản làng nằm bình yên bên thác nước Cát Cát (thác Tiên Sa) trong thung lũng ngay chân núi Hoàng Liên Sơn, với ba bề là núi non hùng vĩ. Được hình thành từ thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, người Pháp đã phát hiện và chọn Cát Cát làm nơi nghỉ dưỡng cho các quan chức và xây dựng nhà máy thủy điện đầu tiên. Cái tên bản Cát Cát (CatScat) cũng được lấy theo tiếng Pháp có nghĩa là "thác nước đẹp".
 
Con đường đến Cát Cát là những đoạn quanh co uốn lượn khiến du khách thực sự choáng ngợp. Hai bên đường là cảnh đẹp nên thơ với những thửa ruộng bậc thang, thấp thoáng những ngôi nhà sàn. Thong dong thả bộ xuống bản Cát Cát, qua đoạn đường dốc bê tông sẽ tới những bậc thang lát đá.
 
Tiếp tục đi qua cây cầu Si là đến trung tâm Cát Cát, nơi hội tụ của ba dòng suối: suối Tiên Sa, suối Vàng và suối Bạc. Đứng tại vị trí này, cảm giác mát lạnh bởi hơi nước, bởi những cơn gió mang đủ hương lẫn sắc sẽ làm du khách lâng lâng khó tả. Hầu hết các nhà dân đều nằm dọc theo con đường bậc thang lát đá giữa bản và canh tác ngay gần khu đất ở tạo nên một mối liên hệ gần gũi. Một số gia đình lựa chọn những nơi xa hơn để canh tác dễ hơn. Vì thế mà khi đến Cát Cát, du khách dễ dàng bắt gặp những căn nhà sàn ẩn hiện trong màu xanh bạt ngàn của rừng núi. Đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên nơi đây, du khách sẽ hiểu được vì sao bản làng này được đánh giá là đẹp nhất vùng Tây Bắc.
 
Một nét thú vị ở bản Cát Cát đó là nơi đây còn lưu giữ khá nhiều phong tục độc đáo mà các vùng khác không có hoặc không còn tồn tại nguyên gốc, chẳng hạn như tục kéo vợ. Khi người con trai quen biết và đem lòng yêu một cô gái, anh ta sẽ tổ chức làm cỗ mời bạn bè và nhờ các bạn lập kế hoạch “kéo” cô gái về nhà một cách bất ngờ, giữ cô trong ba ngày. Sau đó, nếu cô gái đồng ý làm vợ thì chàng trai sẽ tiến hành lễ cưới chính thức. Còn không thì họ cùng nhau uống bát rượu kết bạn và mọi việc trở lại bình thường như chưa có điều gì xảy ra.
 
Bản  Cát Cát  thu hút đông đảo khách  du lịch đến tham quan.
Bản Cát Cát thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan.
Bên cạnh phong tục độc đáo, người dân bản Cát Cát còn lưu giữ khá nhiều nghề thủ công truyền thống như: trồng bông, lanh và dệt vải. Qua những khung dệt này, người Hmông đã tạo nên những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc và hoa văn mô phỏng cây cỏ, lá, hoa, muông thú... Gắn liền với công đoạn dệt vải bông, vải lanh là khâu nhuộm vải và in thêu hoa văn, phổ biến là kỹ thuật nhuộm chàm, nhuộm nước tro thảo mộc và cây lá rừng. Vải nhuộm xong được đánh bóng bằng cách lăn vải với khúc gỗ tròn trên phiến đá phẳng có bôi sáp ong.
 
Ở bản Cát Cát, nghề chế tác đồ trang sức bằng bạc hay bằng đồng, nhôm cũng là một trong những nghề thủ công truyền thống đã có từ lâu đời và đã tạo được những sản phẩm khá tinh xảo. Hiện nay, người dân trong bản vẫn còn mang trang phục truyền thống của dân tộc Hmông và đeo trang sức bằng bạc do mình chế tác. Khi đến đây, du khách không chỉ có cơ hội trải nghiệm và khám phá những phong tục, tập quán của người dân mà còn có thể mang những trang phục truyền thống cùng hòa mình vào những điệu múa của cô gái Hmông xinh đẹp hay tiếng đàn môi, điệu khèn làm xao động lòng người của những chàng trai Hmông. Chính điều này đã tạo nên sức hút cho du khách muôn phương.
 
Một nét đặc sắc nữa mà du khách có thể tìm hiểu khi đến bản Cát Cát đó là lối kiến trúc độc đáo của người nơi đây. Kiến trúc nhà Hmông ở bản Cát Cát có nhiều nét cổ kính và được gọi với cái tên là “Nhà trình tường”, tức nhà ba gian lợp ván gỗ. Các cột đều được kê trên phiến đá tròn hoặc vuông. Vách được lợp bằng gỗ xẻ, có ba cửa ra vào: cửa chính ở gian giữa, hai cửa phụ ở hai đầu nhà. Cửa chính luôn được đóng kín, chỉ mở khi có việc lớn như đám cưới, ma chay hay dịp lễ tết.
 
Trong nhà có không gian thờ, chỉ có sàn gác lương thực dự trữ, nơi ngủ, bếp và nơi tiếp khách. Nếu ở lại bản Cát Cát qua đêm, du khách sẽ được trải nghiệm dịch vụ homestay tại “Nhà trình tường”. Người Hmông ở Cát Cát có rất nhiều món ăn độc đáo với cách chế biến phong phú như: rượu ngô, thắng cố, thịt hun khói, tiết canh gà, nhái nấu măng, bánh ngô, món đậu xị... chắc chắn sẽ khiến du khách khó quên.
 
Từ khi được công nhận là điểm du lịch địa phương vào tháng 4-2018, Khu du lịch Bản Cát Cát được đầu tư, chỉnh trang và ngày càng thu hút nhiều du khách hơn. Hiện nay, một bộ phận người Hmông ở Cát Cát đã chuyển hẳn sang làm dịch vụ du lịch. Nhiều người biết nói cả tiếng Anh, tiếng Pháp và theo nghề hướng dẫn viên du lịch. 
 
Hàng thập kỷ đã trôi qua, nhưng lối sống và những phong tục sinh hoạt truyền thống của bản Cát Cát vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, tạo nên những điểm nhấn văn hóa độc đáo không thể pha trộn. Chắc hẳn với bất kỳ ai đến đây đều cảm thấy thú vị khi được hòa mình vào thiên nhiên, nhìn ngắm những thửa ruộng bậc thang đẹp mê hồn và khám phá, trải nghiệm những hoạt động thường ngày nhưng đậm nét văn hóa của đồng bào Hmông nơi đây.
 
Khả Lê
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.