Multimedia Đọc Báo in

Những sắc màu văn chương "Núi Hoa"

10:15, 02/08/2020
Trại sáng tác thơ văn Núi Hoa (huyện Cư M’gar) lần thứ 25 được tổ chức từ ngày 20 đến 24-7-2020 thu hút 32 trại sinh tham gia (chủ yếu là học sinh THCS có đam mê, có năng khiếu về văn học). Trong 4 ngày tham gia trại sáng tác với các chuyến đi thực tế bổ ích, các em đã sáng tác 44 tác phẩm vừa thơ (33 bài) và văn xuôi (11 bài), góp phần tạo nên những sắc màu văn chương tươi đẹp trên đỉnh “Núi Hoa”.
 
Các tác phẩm khá đa dạng và phong phú. Viết về Nhà đày Buôn Ma Thuột, em Trần Thị Minh Thư có những dòng thơ tràn đầy cảm xúc, thể hiện sự cảm phục thế hệ cha anh đi trước: “Ngục tù tăm tối, lòng không ngán/ Roi gai búa đập chẳng hề nao/ Kiên trung vẫn vững dù gian khó/ Vượt ngục bại thành cũng chẳng sao” (Thăm Nhà đày Buôn Ma Thuột). Em Hoàng Thị Minh Anh có bài “Quyết chiến và quyết thắng” với tinh thần ngợi ca đầy hào sảng: “Lòng anh vẫn tràn đầy/ Tình yêu thương Tổ quốc/ Anh nằm đây: “chuồng cọp”/ Gai sắt đâm vào da”.
 
Ca ngợi vùng đất Tây Nguyên, em Phạm Thị Diễm Châu có bài “Em yêu Tây Nguyên” với những dòng thơ tự hào về vùng đất mà mình đang sống và gắn bó: “Em yêu vùng đất Tây Nguyên/ Hương thơm ngào ngạt một miền cà phê/ Đi trong chiều vắng em nghe/ Tiếng dòng sông nước vỗ về bên tai”.
 
Nguyễn Thị Cẩm Giang, ngoài sáng tác truyện ngắn, đợt tham dự trại lần này em có bài thơ “Tôi đã tìm thấy em: Cư M’gar” rất đáng đọc, nhất cách biểu đạt mới mẻ: “Tôi đã tìm thấy em/ Mạnh mẽ, hào hùng/ Tôi tìm thấy em/ Đôi lúc… Cư M’gar buông hồn trên giọt sương/ Thì thào trong cơn gió/ Nồng nàn như hương hoa/ Tôi thấy em/ Đang ngày đêm đổi mới/ No ấm lòng nhân dân/ Nuôi dưỡng lòng nghị lực/ Ôi chính em: Cư M’gar!”.
 
Với 11 tác phẩm văn xuôi (5 ghi chép, 2 truyện ngắn, 4 tản văn), các tác giả Trại sáng tác thơ văn Núi Hoa đã chú ý quan sát, tái hiện lại những gì được trải nghiệm cùng những suy nghĩ và cảm xúc cá nhân thật hồn nhiên, tươi mới.
 
Có tác phẩm đã ghi chép được những nét tiêu biểu, độc đáo về cảnh và người Tây Nguyên; tình cảm mến yêu, biết ơn các thế hệ cha ông đi trước, ví như “Nhà đày Buôn Ma Thuột - chốt lưu dấu lịch sử” của Bùi Ngọc Hảo. Có tác phẩm mang hoài niệm riêng của tác giả khi khắc họa tình bạn và những rung động mới chớm của tuổi học trò bằng giọng văn khá chững chạc như “Thy” của Nguyễn Thị Cẩm Giang.
 
Đặc biệt, với niềm vui và sự thích thú khi được tham quan và trải nghiệm văn hóa của người Êđê ở nhà Hoa hậu H’Hen Niê, em Hoàng Thị Minh Anh có một bút ký khá hay “Một ngày ở nhà H’Hen Niê”.
 
Các em học sinh tham gia Trại sáng tác thơ văn Núi Hoa lần thứ 25.    Ảnh: Ánh Ngọc
Các em học sinh tham gia Trại sáng tác thơ văn Núi Hoa lần thứ 25. Ảnh: Ánh Ngọc
Như vậy, nội dung trong thơ văn các em vô cùng phong phú, đề tài nào các em cũng viết với một tấm lòng trong sáng, hồn nhiên. Về thơ ca, tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Bóng rừng” của em H’La Gi Mlô. Dù tuổi còn nhỏ, nhưng em đã ý thức về sự mất mát của những cánh rừng, trái tim em biết đau một niềm đau lớn. Có lẽ là người Êđê, ý thức về không gian sinh tồn ngàn đời của cha ông đã làm “nhà thơ nhí” rưng rưng cảm xúc.
 
Lấy trái tim mình hòa vào hồn cây cối để rồi cất lên tiếng nói trữ tình tha thiết, đồng thời cũng phản kháng mạnh mẽ trước sự tàn bạo của con người: “Đời rừng quá mong manh/ Đâu rồi tháng ngày xanh/ Loài người cậy sức mạnh/ Nước mắt rừng long lanh/ Mơ khoảng trời trong xanh/ Đàn chim hót thanh thanh/ Hươu, nai đùa bên suối/Dưới bóng rừng nguyên sinh/ Giờ trơ trơ đất trống/ Không cây cối lá ngàn/ Không chim chóc từng đàn/ Xương rồng gai mọc khắp/ Bao giờ em lại gặp/ Rừng xanh ơi về đâu/ Em nghe nước mắt trào/ Mơ bóng rừng cổ tích”.
 
Ngoài những đề tài lớn về đất nước, môi trường sinh thái, lịch sử và chiến công cách mạng, các trại sinh Núi Hoa còn dành nhiều trang viết về những gì đang diễn ra trong cuộc sống đời thường mà các em đang sống.
 
Phạm Thị Ngọc Ánh với bài thơ “Tuổi học trò” nhiều ước mơ bay xa, nhiều yêu thương trong tình bạn.
 
Bùi Lê Kim Ngân cảm nhận vẻ đẹp mùa xuân và sự khác biệt giữa hai miền Nam, Bắc qua thi phẩm “Dáng xuân”. 
 
Trần Thị Minh Thư với bài “Tuổi thơ” thật đẹp về hình ảnh cùng thể thơ năm chữ nhỏ nhắn: “Một khoảng sân nho nhỏ/ Một khoảng trời bao la/ Núi xanh và cây cỏ/ Tuổi thơ ngây thật thà”.
 
Nguyễn Thị Hải Yến có hai bài thơ “Nắng” và “Mưa” đã tạo nên hai bài thơ lục bát nhỏ nhắn, dễ thương, ví như: “Nắng vàng buông nhẹ lá hoa/ Nắng nghiêng ngả, nắng thiết tha dịu dàng/ Nắng gọi tiếng ve ngân vang/ À ơi ve hót, nhuộm vàng nắng mơ” (Nắng).
 
Phan Yến Nhi với tác phẩm “Hè về” gói trong hình thức thơ bốn chữ thật hồn nhiên, trong sáng. Đề tài viết về thầy cô có em H’Bia Kbuôr với bài “Thầy tôi” sâu nặng công ơn người thầy qua lời thơ vô cùng hồn nhiên, mộc mạc: “Lòng em nhớ người thầy/ Biết tìm sao được đây/ Cây bàng kia vẫn trẻ/ Mà thầy em già đi!”.
 
Xoay quanh cuộc sống đời thường, các cây bút của Trại sáng tác thơ văn Núi Hoa có thể điểm thêm một số gương mặt như “Gió muộn” (Nguyễn Hồ Đan Linh), “Tre đón mây” (Nguyễn Minh Thư), “Lúa ngọt” (Nguyễn Đức Pho), “Xa nhà” (Bùi Lê Kim Ngân), “Cảm xúc ngày hè” (Quách Thanh Thùy), “Sớm mai” (Nguyễn Duy Thế), “Mùa hè của em” (Đoàn Thị Thanh Thảo)…
 
Thơ văn của các trại sinh Núi Hoa nhìn chung vẫn mang những đặc điểm của lứa tuổi thiếu niên nên chưa đều về chất lượng nghệ thuật, một số tác phẩm phải sửa nhiều mới giúp các em có ý thức khi sử dụng ngôn ngữ sáng tác. Cách viết của các em còn nhiều câu văn rườm rà, chi tiết lặp và ít tính khái quát; có tác phẩm còn đơn điệu về hình thức, nội dung chưa sâu.
 
Tuy nhiên, có thể nói Trại sáng tác thơ văn Núi Hoa huyện Cư M’gar lần thứ 25 bước đầu đã có những đổi mới về phương pháp để nâng cao chất lượng nghệ thuật. Đó là cách tiếp cận thực tế mới mẻ, mục đích chủ yếu là rèn luyện tinh thần và ý thức công dân của các em trước những giá trị lịch sử và văn hóa. Điều cốt lõi nhất chính là các em được bồi đắp tình yêu đối với văn học và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Hy vọng một ngày không xa, các sáng tác thơ văn tuổi học trò ở huyện Cư M’gar sẽ có thêm hương sắc, làm nên sự đa dạng sắc màu trên đỉnh “Núi Hoa”.
 
Lê Thành Văn
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.