Multimedia Đọc Báo in

Trăn trở câu chuyện di tích sau khi được xếp hạng

09:44, 23/08/2020

Khảo sát, khoanh vùng bảo vệ và từng bước công nhận cho di tích là bước đi cần thiết của các cấp chính quyền cùng ban, ngành chức năng nhằm tạo điều kiện và cơ hội cho cộng đồng sở hữu di tích lấy đó làm động lực để phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Mục đích là vậy, nhưng nhìn những gì diễn ra trên thực tế khiến nhiều người lo ngại rằng, không ít di tích được công nhận trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua không những không phát huy được giá trị vốn có, mà đã và đang trở thành gánh nặng đặt lên vai chính quyền địa phương lẫn cộng đồng sở hữu di tích.

 Thác Thủy Tiên (xã Ea Púk, huyện Krông Năng). Ảnh Huyền Diệu
Thác Thủy Tiên (xã Ea Púk, huyện Krông Năng). Ảnh: Huyền Diệu

Ông Trần Hùng, Phó Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk, phụ trách lĩnh vực quản lý di tích cho biết, cuối tháng 7 vừa qua, hang đá Ba tầng (xã Krông Nô, huyện Lắk) được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, nâng tổng số di tích trên địa bàn toàn tỉnh lên con số 34, trong đó có 2 di tích đặc biệt, 17 di tích quốc gia và 15 di tích cấp tỉnh. Sắp tới sẽ có thêm nhiều di tích nữa được xếp hạng trong số 57 địa điểm mà ngành văn hóa phối hợp với chính quyền 15 huyện, thị xã và thành phố đã khảo sát, khoanh vùng bảo vệ. Có thể nói, nhìn từ tiềm năng này, Đắk Lắk là một trong những địa phương có khá nhiều di tích, nhất là di tích danh thắng với hệ thống sông suối, thác ghềnh và núi rừng nên thơ, hùng vĩ. Việc công nhận và xếp hạng cho nhiều loại hình di tích này nhằm ngăn chặn, hạn chế những tác động tiêu cực từ đời sống bên ngoài tác động lên vốn tài nguyên quý giá ấy.

 Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều địa phương thì áp lực vẫn đè nặng sau khi di tích được xếp hạng (cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia). Áp lực đó đến từ công tác quản lý, bảo vệ còn lỏng lẻo, di tích bị xâm hại như tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất thường xuyên xảy ra; thêm vào đó, việc đầu tư tôn tạo cho di tích còn hạn chế, khiến vốn tài nguyên này hư hại và xuống cấp theo thời gian.

Dẫn chứng như danh thắng cấp quốc gia thác Dray Knao (xã Krông Jin, huyện M’Đrắk ), sau khi được xếp hạng, UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk quản lý, bảo vệ và khai thác, nhưng do không có nguồn lực đáp ứng nên di tích trên không những không được phát huy, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, mà ngược lại bị xâm hại nghiêm trọng, buộc cấp thẩm quyền phải giao lại cho UBND xã Krông Jin trông coi. Ông Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện M’Đrắk cho rằng: Việc “đổi chủ” đối với di tích này cũng không lấy gì làm lạc quan lắm, khi kinh phí kèm theo giải pháp bảo vệ và phát huy di tích vẫn còn bỏ ngỏ.

Hang đá Ba tầng (xã Krông Nô, huyện Lắk) được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh vào cuối tháng 7 vừa qua.
Hang đá Ba tầng (xã Krông Nô, huyện Lắk) được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh vào cuối tháng 7 vừa qua.

Tương tự, nhiều di tích khác như: thác Thủy Tiên (xã Ea Puk, huyện Krông Năng), thác Bìm Bịp (xã Yang Tao, huyện Lắk); thác Drai Dlông ở xã Quảng Hiệp, thác Dai Yông ở xã Ea M’nang (huyện Cư M’gar) hay thác Krông Kmar, thị trấn Krông Kmar; danh thắng suối Buôn H’Ngô, xã Hòa Phong, Suối Đắk Tuôr, xã Cư Pui (huyện Krông Bông)... đều đang phải loay hoay tìm cách quản lý, bảo vệ chứ chưa tính đến chuyện đưa vào khai thác, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cư Pui (huyện Krông Bông) chia sẻ: Chặng đường vinh danh cho một di tích bất kỳ là cấp nào đều rất nhọc nhằn, tốn kém. Tuy nhiên, địa phương nào cũng nỗ lực để thực hiện điều đó, bởi một số người có quan điểm rằng, di tích được xếp hạng đồng nghĩa với việc sẽ được Nhà nước ưu tiên đầu tư nhiều hơn và sẽ là “cú hích” giúp chính quyền và người dân có điều kiện, cơ hội để phát triển. Song, nếu như không có lộ trình, giải pháp phù hợp, đồng bộ đi kèm với cơ chế phân cấp quản lý rõ ràng, hiệu quả thì di tích không còn là điều kiện, cơ hội nữa mà trở thành gánh nặng đối với chủ sở hữu vốn tài sản quý giá này.

“Nếu không có cơ chế ưu tiên đầu tư, tôn tạo theo thứ tự, quy mô và tính chất của từng di tích, thì mọi nỗ lực để được công nhận và xếp hạng chỉ là “hữu danh vô thực”, thậm chí còn được xem là chạy theo xu thế “di tích hóa” những gì mình có mà nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đang mắc phải” - (Trích tham luận của Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy - Viện trưởng Viện Khoa học - Xã hội Tây Nguyên tại Hội thảo Bảo tồn, phát huy giá trị di tích trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên diễn ra tại Gia Lai hồi tháng 4-2019).

 

    Đình Đối

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.