Thăng hoa cùng nhạc cụ dân tộc
Thông qua Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020 được tổ chức mới đây những âm thanh trong trẻo, gần gũi, thấm đẫm hồn dân tộc của các nhạc cụ đã hòa quyện, thăng hoa và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.
“Ðất diễn” cho người nghệ sĩ đứng sau sân khấu
Năm nay, có khoảng 650 thí sinh của 35 đoàn nghệ thuật trong cả nước tham gia cuộc thi, tổ chức tại 5 địa điểm gồm Đắk Lắk,Thanh Hóa,Vĩnh Phúc, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tại điểm thi ở TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có 8 đoàn nghệ thuật khu vực nam miền Trung và Tây Nguyên tham gia.
Tiết mục biểu diễn của Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế. |
Chỉ trong phạm vi khu vực, nhưng các nghệ sĩ đã mang đến cuộc thi những màu sắc âm nhạc riêng biệt và độc đáo từ nhiều loại nhạc cụ âm nhạc truyền thống như sáo trúc, đàn nhị, thanh la, mõ, chiêng, sáo vỗ...; thể hiện qua các tiết mục như: “Vọng mãi ngàn năm” của dàn nhạc Đoàn tuồng Đào Tấn, “Thanh âm miền đất võ” của dàn nhạc Đoàn Ca kịch bài chòi thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định; 3 chủ đề: “Vang mãi dòng Hương”, “Tiếng Hương Bình” và “Sóng Hương Giang” của Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế… Nhờ đó, khán giả được sống trong vô vàn cảm xúc với những trải nghiệm vô cùng hấp dẫn, có lúc chìm lắng trong tiếng đàn nhị da diết, có lúc lại sôi động với nhịp cồng chiêng giục giã…
Thông thường, khán giả khi thưởng thức một tiết mục nghệ thuật đặc sắc, sẽ dành lời khen ca sĩ hát hay, hoặc nghệ sĩ diễn giỏi, nhưng đôi khi họ vô tình không để ý vai trò của dàn nhạc - những người chơi nhạc cụ thầm lặng sau ánh đèn sân khấu, nét điểm xuyết quan trọng giúp nghệ thuật thêm thăng hoa. Vì vậy, có thể nói rằng các cuộc thi về nhạc cụ nói chung và Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020 nói riêng là một trong những mảnh đất màu mỡ để cho các nhạc công được diễn, thỏa đam mê, được tranh tài cũng như rèn luyện khả năng khi đứng trên một sân chơi chuyên biệt. “Bên cạnh đó, cuộc thi còn là hoạt động nghề nghiệp nhằm tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị của âm nhạc dân gian Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó, các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ được giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm”, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi nhấn mạnh.
Tiếng vọng của đại ngàn
Năm nay, Đoàn ca múa dân tộc tỉnh Đắk Lắk (sau đây gọi Đoàn) tham dự thi 3 tiết mục: “Hồn đất mẹ” (M’ngăt Lăn Amí), “Vía trời cha” (Eengit Adiê Ama), “Tiếng lòng gọi bạn” (Asăp lêo M’thưr). Có thể nói, Đoàn đã thành công trong việc khai thác những nét đặc sắc các nhạc cụ của đồng bào dân tộc Tây Nguyên để hòa thành những giai điệu của núi rừng hùng vĩ.
Các phần trình diễn tại Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020 được phát trực tiếp trên kênh Youtube của Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên, hoạt động liên hoan và cuộc thi chuyên nghiệp được phát trực tiếp trên Youtube. |
Nghệ sĩ Nhân dân Y San Aliô, Trưởng Đoàn ca múa dân tộc tỉnh Đắk Lắk cho hay: “Cả 3 tiết mục trong chương trình đều có sự gắn kết với nhau, đó là sự gắn kết của buôn làng và bản sắc của các dân tộc”. Cụ thể, sự kết hợp của những làn điệu dân ca dân tộc Êđê, Jarai, Xê Đăng phong phú, đặc sắc và nhạc điệu của tre, nứa hòa cùng tiếng cồng chiêng tạo nên âm thanh nhiều sắc màu. Đó là tiếng trầm hùng của núi rừng, lại có lúc thánh thót như tiếng suối chảy, lúc thì âm vang như dòng thác; tạo nên những âm thanh nối liền cõi âm với cõi dương, giữa con người, trời đất và thần linh, giữa hiện tại và quá khứ; được ngân lên như một dàn hợp xướng hội tụ đầy đủ cung bậc, sắc màu của cuộc sống đại ngàn từ xưa vọng về.
Tiết mục biểu diễn của Đoàn ca múa dân tộc tỉnh Đắk Lắk sử dụng ánh sáng, hiệu ứng sân khấu. |
Nghệ sĩ Ưu tú Mạnh Tiến, tác giả của 2/3 tiết mục nói trên cho hay, thường người dân tộc thiểu số tự chơi nhạc cụ của dân tộc mình, ít có sự kết hợp với nhạc cụ của những dân tộc khác. Vì vậy, anh đã nảy ra ý tưởng pha trộn các nhạc cụ này lại trong biểu diễn, tạo một không khí chung về cao nguyên, thể hiện văn hóa cộng đồng. Công chúng có thể thưởng thức theo một khía cạnh riêng, phụ thuộc vào trái tim và sự hiểu biết về văn hóa của các dân tộc.
Đặc biệt, các tiết mục của Đoàn không chỉ được đầu tư cho phần “nghe” mà còn chăm chút cho phần “nhìn” qua việc đầu tư trang phục, ánh sáng, múa phụ họa, cảnh trí sân khấu… từ đó giúp nâng cao hiệu ứng tác phẩm.
Từ sự thể hiện đó cho thấy âm nhạc truyền thống của Đắk Lắk rất riêng biệt, không chỉ mang ý nghĩa linh thiêng mà còn là cầu nối gắn kết các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh, là một “món quà” hấp dẫn để giới thiệu quảng bá các giá trị âm nhạc đặc sắc, độc đáo của tỉnh đến với bạn bè bốn phương. Đó cũng là ý tưởng mà Đoàn đặt ra khi bắt đầu dàn dựng tác phẩm. Những tiết mục này sẽ được biểu diễn ở những chương trình giao lưu trong và ngoài nước, khẳng định sự đoàn kết của các dân tộc anh em và giá trị của những nhạc cụ dân gian Tây Nguyên.
Ánh Ngọc
Ý kiến bạn đọc