Theo chân Bác trên chiến khu
Đến thăm những nơi Bác Hồ đã từng ở và làm việc trên chiến khu Việt Bắc, dù liên tục cuốc bộ leo đèo, lội suối, nhưng chúng tôi không thấy mệt mỏi, mà luôn cảm thấy xúc động, tự hào vì mình được đi trên con đường Bác đã từng đi, được học theo Bác về tinh thần, ý chí rèn luyện sức khỏe.
Thăm Lán Nà Nưa thuộc Khu Di tích lịch sử đặc biệt Tân Trào (Tuyên Quang), nơi Bác Hồ đã ở từ cuối tháng 5 đến ngày 22-8-1945 để lãnh đạo hoạt động cách mạng, chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, chúng tôi không khỏi xúc động trước những vật dụng đơn sơ, mà toát lên phẩm chất đáng kính của vị Cha già. Bao năm qua, căn lán nhỏ mái lá sàn tre đơn sơ ẩn dưới tán rừng rậm rạp trên sườn núi Nà Nưa vẫn là điểm đến thu hút du khách muôn phương. Theo bậc tam cấp chạy dưới rặng tre xanh mát, ngược dốc lên mãi, từng đoạn lại có chiếu nghỉ, thong dong ngắm cảnh rừng núi, lên đến nơi đã thấm mệt. Nhưng sự mệt mỏi sớm tan khi tham quan khu vực lán và nghe hướng dẫn viên thuyết minh về cụm di tích này, đặc biệt chuyện về đôi ống bương nước đang được dựng ngay bên vách lán.
Đường từ chân núi dẫn lên lán Nà Nưa. |
Theo lời thuyết minh thì thời gian ở Lán Nà Nưa, công việc của Bác vô cùng bận rộn, ngay gần đấy là lán cảnh vệ có anh em túc trực thường xuyên, nhưng hằng ngày Bác vẫn mang hai ống bương này xuống chân núi tự xách nước về dùng. Bác bảo rằng việc leo núi, xách nước vừa để thư giãn đầu óc, vừa để vận động rèn luyện sức khỏe. Nghe đến đây, bất giác chúng tôi đều ngoái nhìn lại đoạn dốc mình vừa cố gắng trèo lên, vừa không khỏi thán phục Bác vừa cảm thấy ngại với chính mình.
Như được tiếp thêm sức mạnh từ câu chuyện về Bác, chúng tôi thử sức với con đường mòn theo hướng lán cảnh vệ qua đèo De và xuống núi không theo bậc tam cấp nữa mà men theo con đường mòn gồ ghề đất đá, thỉnh thoảng lại trèo qua những rễ cây cổ thụ gồ lên mặt đất, hoặc vòng tránh những thân cây xù xì mốc thếch chằng chịt dây leo. Ngắm dòng Khuôn Pén lững lờ trôi xuôi dưới chân núi, lòng rưng rưng xúc động mường tượng trên con đường mòn dốc núi này bảy mươi lăm năm trước có một ông Ké áo nâu mũ vải hằng ngày xuống suối xách nước, hình ảnh bình dị mà đẹp đẽ làm sao.
Bình thường, việc thường xuyên rèn luyện sức khỏe là điều đáng quý. Trong bối cảnh ở chiến khu, hoạt động bí mật, điều kiện ăn ở không thuận lợi mà Bác vẫn duy trì đều đặn việc rèn luyện dưới nhiều hình thức như vậy càng đáng khâm phục. Đó là bài học sinh động về ý chí quyết tâm, ý thức kỷ luật, tinh thần tự giác, bắt đầu từ việc rèn luyện sức khỏe. |
Thăm di tích Pắc Bó ở Cao Bằng, nơi Bác Hồ đã ở và làm việc sau khi về nước vào năm 1941, tôi không khỏi xúc động khi gặp đoàn cựu chiến binh tuổi đã cao vẫn cần mẫn leo từng bậc đá ngược dốc núi. Trong đoàn, có cụ phải nhờ người đỡ mỗi khi qua bậc quá cao hoặc khúc ngoặt, vậy mà vẫn lên tới tận hang Cốc Bó, xuống tận đầu nguồn con suối Khuổi Nậm. Nghỉ chân bên chiếc bàn đá lịch sử ven suối, các cụ phấn khởi động viên nhau là mình đang học theo Bác một cách rất thiết thực. Khi ở hang Cốc Bó, cuộc sống cháo bẹ rau măng kham khổ vậy mà Bác vẫn thường tập thể dục vào buổi sáng, còn buổi chiều lao động chân tay như một ông ké thực thụ của bản làng, như đi làm vườn, vác củi, xách nước. Sau giờ làm việc buổi chiều, Bác thường đi dạo leo núi, thực ra là để nắm tình hình khu vực, phần lớn các cán bộ, chiến sĩ hoạt động ở vùng này đã lâu, quen với lội suối trèo đèo nhưng đôi lúc phải vừa đi vừa chạy mới theo kịp Bác.
Tham quan Lán Na Nưa. |
Bên dòng Khuổi Nậm trong xanh chúng tôi còn được nghe kể rằng Bác thích bơi lội nên nơi ở luôn được bố trí gần sông, suối để Bác có thể luyện tập. Có khi đi công tác qua sông, suối, dù đã được chuẩn bị sẵn bè hoặc mảng, nhưng nếu có thể được Bác vẫn bơi cùng anh em trong đoàn, lại còn động viên anh em yên tâm vì bơi vừa sạch người, vừa sảng khoái, khỏe mạnh.
Không chỉ tự tập luyện, Bác còn tích cực vận động mọi người cùng tập. Bên dòng Khuổi Nậm này, những ngày chuẩn bị Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, sáng nào Bác cũng đi đến các lán gọi mọi người cùng dậy tập thể dục, tập xong thì tăng gia sản xuất và đi tắm suối, sau đó mới bắt tay vào công việc nghiên cứu, viết lách tài liệu. Còn những ngày đầu mới từ Pắc Bó sang Tân Trào, ở nhà người dân trong làng Tân Lập dưới chân núi, Bác cũng thường thức dậy lúc 4 giờ sáng, đánh thức mọi người dậy cùng tập thể dục, sau đó mới vào bàn làm việc. Bác còn tranh thủ thời gian trò chuyện, hướng dẫn người dân thực hiện nếp sống vệ sinh để phòng bệnh, giữ gìn sức khỏe.
Ngọc Hoa
Ý kiến bạn đọc