Multimedia Đọc Báo in

Những truyền nhân của văn hóa dân tộc

06:17, 04/10/2020

Ở khắp các buôn, bon, kon ở Tây Nguyên, người cao tuổi đều là những "cây đại thụ" nắm giữ kho báu của văn hóa tộc người. Họ chính là những “báu vật sống”, là những người giữ vai trò quan trọng nhất trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa dân tộc.

Về ching chêng, ngoài việc sáng tạo nên cách diễn tấu, người cao tuổi còn là người truyền dạy cho các thế hệ sau. Chính nhờ sự tâm huyết của các nghệ nhân già mà âm điệu, nhịp điệu của di sản ching chêng mới truyền từ đời nay sang đời khác. Khắp các tỉnh Tây Nguyên hiện nay đều có hàng trăm đội ching thiếu nhi, do các già làng tận tâm chỉ bảo, trình diễn điệu nghệ chẳng kém gì ông cha.

Mỗi tộc người có giai điệu, nhịp điệu, số lượng và phương thức trình diễn ching chêng khác nhau. Ví như bộ ching Tha của người Brâu chỉ có 2 chiếc, đánh bằng dùi sắt. Bộ ching 6 chiếc không có núm của người M’nông, K’ho, Raglai lại đấm bằng tay. Ching J’rai, Bana… đánh bằng dùi mềm, hết thảy đều đi quanh nhà rông theo ngược chiều kim đồng hồ. Trong khi đó, ching knah Êđê được tấu bằng dùi cứng, ngồi tại chỗ. Nếu không phải là những bậc cao niên nắm vững bài bản, điệu thức, hàng âm dân nhạc của chính tộc người mình, làm sao có thể truyền dạy lại được?.

Nghệ nhân cao tuổi ở buôn Kô Siêr (TP. Buôn Ma Thuột) biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Ảnh: Hoàng Gia
Nghệ nhân cao tuổi ở buôn Kô Siêr (TP. Buôn Ma Thuột) biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Ảnh: Hoàng Gia

Người cao tuổi cũng là những người giữ vai trò chính trong việc chỉnh ching. Các bộ ching mua về đều phải được những nghệ nhân có đôi tai, đôi tay tuyệt vời và vốn kiến thức âm nhạc cổ truyền đầy ắp “gọi hồn cho ching” theo đúng âm điệu của dân nhạc tộc người mình. Vì đặc biệt như thế nên có khi một làng chỉ có một người, hoặc nhiều nhất là hai người có thể làm được việc chỉnh âm lại cho các bộ ching. Chính nhờ các nghệ nhân này mà âm thanh của ching chêng không bị lạc điệu.

Cũng chính từ những bàn tay chai sần vì chặt cây, cuốc rẫy, suốt lúa của các nghệ nhân ở các buôn làng mà nảy ra, vang lên những âm thanh tuyệt đẹp từ những cây đàn hình dạng thô sơ làm từ đá, nứa hay gỗ, thậm chí cả từ những sợi giây thép vô tri, như đàn gảy Ting ning, Goong reng, Cha pi,  đàn vỗ Klong put, Đinh pah, kèn hơi như Đing năm, Mbuôt… Các bậc cao niên cũng là "kho tàng" chứa đựng cả hàng nghìn lời nói vần, hàng chục bộ luật tục cũng bằng văn vần, hàng trăm bản trường ca, sử thi theo lối hát - kể độc đáo…

Những đặc trưng văn hóa tiêu biểu cho các tộc người đang được gìn giữ, bảo tồn từ chính sự mộc mạc mà tài hoa của người cao tuổi trong mọi buôn, bon, kon ở Tây Nguyên. Có thể kể đến như già làng Ama H’Rin ở buôn Akŏ Dhông (TP. Buôn Ma Thuột) đã vượt qua định kiến tôn giáo, tự tay làm đàn và truyền dạy ching kram sớm nhất cho thiếu nhi của buôn; các cụ Điểu Kâu, Điểu Klứt, Điểu Klung (ba anh em) ở Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) gìn giữ, biên dịch hàng chục bộ sử thi Ót N’rông, truyền lại cho lớp trẻ cách hát – kể, cách vận vần… Cụ A Lựu ở Gia Lai cũng là “pho sử thi sống” của người Bana, cùng cụ A Jar ở Kon Tum biên dịch lại cho đời sau. Ở buôn Kô Siêr (TP. Buôn Ma Thuột), cụ Ama Kim chế tác, sử dụng được 5 loại nhạc cụ Êđê và âm thầm tự truyền dạy cho thanh niên; cụ Ama Tuyn truyền dạy tạc tượng gỗ dân gian cho thanh thiếu niên trong buôn và các con mình để giữ nghề. Hay cụ Aê Jek ở buôn Khít (huyện Cư Kuin) làm và tấu được 6 loại nhạc cụ Êđê, vợ cụ Aê Jek cũng là một nghệ nhân dệt tuyệt đẹp, thuộc rất nhiều bài dân ca và truyền dạy lại cho con cháu. Các cụ A Đeng ở xã Tân Lập, A Klot ở xã Đắk Tờ Re, huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) không chỉ cho mượn bộ gong ching của gia đình, giao nhà cho các cháu luyện tập, mà còn trực tiếp động viên con cháu, nghệ nhân tham gia truyền dạy, học tấu ching. Còn có thể kể đến cụ Rchom Tít (cũng ở TP. Pleiku) tự đứng ra mở lớp truyền dạy cách chế tác nhạc cụ dân tộc cho thanh thiếu nhi, còn mang cả những thanh tre nứa đơn sơ sang đất nước Hà Lan vừa làm nhạc cụ vừa trình tấu khiến bạn bè quốc tế vô cùng ngưỡng mộ…

Phụ nữ  dân tộc  thiểu số  gìn giữ  nghề dệt truyền thống.
Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ nghề dệt truyền thống.

Không chỉ các cụ ông, các bà, các mẹ trong các buôn làng cũng là những người góp phần quan trọng bảo tồn văn hóa truyền thống. Trong gia đình, để con cái dẫu lớn lên và đi khỏi cộng đồng vẫn không quên tiếng mẹ đẻ, bà và mẹ là những người đầu tiên truyền dạy, duy trì ngôn ngữ của tộc người cho con cháu. Khi các thành viên trong gia đình cần có trang phục truyền thống, các bà, các mẹ đã dệt (và mua) những tấm vải thổ cẩm may nên váy, áo; cũng là người gìn giữ và truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ các thế hệ sau của gia đình. Bà, mẹ cũng là người lưu giữ và trao truyền những câu hát dân ca, hát ru h’ri, hơ amon, k’ưt, muñ, đê kô, đê lơn, úm kon… hay uốn nắn từng khuỷu tay, bàn tay, mỗi bước chân khép mở của điệu múa chim grứ, suang sơ mơk, suang arap, tung tung yă yă… trong kho tàng nghệ thuật diễn xướng của tộc người. Bà Mẫu Bích Phanh (dân tộc Rglai, tỉnh Ninh Thuận) tự nguyện đi khắp các làng sưu tầm sử thi A Khát Durca để lại cho con cháu. Hay bà Y Điết (dân tộc Rmam ở Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) dạy thanh niên những động tác múa và dân ca truyền thống; cố nghệ sĩ H’Bênh cùng chồng tự bỏ tiền đi khắp nơi ghi chép những bài dân ca Bana làm tư liệu... Và thật vui khi nghe người bạn xa xứ kể lại rằng “ở tận nước Mỹ xa xôi, các mẹ vẫn truyền dạy lại điệu múa chim grứ bay hay kong tuor cho những em gái nhỏ và dặn: đừng quên đó là múa của người Êđê mình”.

Thiết nghĩ, để giúp người cao tuổi ở các buôn, bon, kon, plei Tây Nguyên phát huy vai trò trong bảo tồn văn hóa truyền thống và mọi mặt đời sống, nên chăng cần có những chính sách đặc thù cụ thể hỗ trợ người cao tuổi ở vùng dân tộc thiểu số? Tiếp tục triển khai các chương trình, dự án nhằm khai thác kho tàng di sản vẫn còn rất phong phú trong người cao tuổi ở Tây Nguyên như: hoa văn nghề dệt cổ truyền, đan lát mây tre, kỹ thuật dựng nhà sàn… của các dân tộc. Các địa phương cần có những lớp tập huấn phương pháp truyền dạy cồng chiêng, chế tác và diễn tấu nhạc cụ cổ truyền cho lớp kế cận để sẵn sàng có thế hệ tiếp nối; khuyến khích phục dựng theo hình thức tập thể những lễ chúc sức khỏe cho người già trong các buôn làng…

Linh Nga Niê Kdăm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.