Thăm đền thờ Hai Bà Trưng ở Mê Linh
Đền thờ Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh (trước đây thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, nay thuộc TP. Hà Nội) là nơi hương khói, thờ phụng hai vị nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc, Trưng Nhị.
Hai Bà Trưng đã đứng lên, phất cờ khởi nghĩa đánh tan quân Đông Hán, giành độc lập, xưng Vương và đóng đô ở Mê Linh từ năm 40 - 43.
Đền thờ Hai Bà Trưng tọa lạc tại khu đất cao, rộng, thoáng nhìn ra hướng sông Hồng. Theo phong thủy, khu đất này có hình dáng giống như một con voi đang uống nước. Thuở xưa, ngôi đền được xây dựng bằng tre, lá. Đến thời nhà Đinh (968 - 980), đền được xây lại bằng gạch. Trải qua gần hai thiên niên kỷ, đền thờ Hai Bà được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Vào các năm 2002, 2003, 2004, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai quy hoạch xây dựng khu di tích đền thờ Hai Bà Trưng trên diện tích gần 13 ha với quy mô kiến trúc khá hoành tráng, khang trang.
Đền thờ Hai Bà Trưng. |
Đền có cấu trúc theo kiểu “Nội công ngoại quốc”, hình chữ “tam”, gồm: tiền tế, trung tế, hậu cung, xung quanh là tường gạch; hai bên là tả mạc và hữu mạc. Từ đền nhìn ra hướng Tây qua lạch Vòi Voi là môn nội, cột đá thề, tam môn ngoại và đường Kéo Quân. Những kiến trúc nghệ thuật bằng gỗ lim được chạm trổ các họa tiết sinh động và tinh tế. Tượng thờ, nội thất, hoành phi, câu đối được sơn son thiếp vàng hài hòa, lộng lẫy, thâm nghiêm. Phía trước chính điện là sân trên, sân trong, sân ngoài đều được lát bằng đá phiến. Sân trong còn gọi là sân nghi lễ, được lát đá theo hình chiếc chiếu hoa lớn ở giữa và 6 hình chiếu hoa nhỏ ở hai bên, để chồng kiệu và bài trí voi, ngựa, cờ xí... khi có lễ tiệc và tế lễ. Sân ngoài có kiến trúc hình “ngũ phúc” bởi ngọn đá thề giữa sân và bốn bồn hoa hình con dơi ở bốn góc sân đá. Lời thề của Hai Bà Trưng khi làm lễ tế cờ được khắc vào ngọn đá. Có 18 cỗ voi đá đặt ngay ngắn thành hai hàng bên sân đá hướng vào giữa sân, tượng trưng cho voi của 18 đời vua Hùng. Hai bên của sân ngoài là hai khu vườn hoa cây cảnh, thảm cỏ, núi đá bonsai, cây bóng mát. Trong khu nội vi còn có hồ Bán nguyệt, hồ Mắt Voi, lạch Vòi Voi, hồ Tắm Voi đã trùng tu lại.
Bên trong đền còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý: hai cỗ kiệu Bát Cống, Long Đình từ thế kỷ 17, gươm trường, bát bửu, cửa võng, nhan án, chuông đồng... Đặc biệt, trong tiền tế và hậu cung còn có một số hoành phi, câu đối. Đôi câu đối có niên đại xưa nhất của Vĩnh Tường Tri phủ Nguyễn Thái cung tiến năm 1881 có nội dung: “Bất thế anh hùng vương tỷ muội/Nhưng tiền cơ chỉ tuế xuân thu” (tạm dịch: Vua chị, vua em, hào kiệt thế gian khó sánh/Còn nền, còn móng, xuân thu hương lưu dài lâu). Hiện nay, Đền còn lưu giữ 23 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam, sắc phong sớm nhất là từ đời Vua Lê Hiển Tông (1783) cho đến sắc phong thời Nguyễn năm Khải Định (1924), bao gồm sắc phong tôn hiệu cho Hai Bà và các sắc chỉ cho dân làng Hạ Lôi cùng các vùng lân cận phải chăm sóc, giữ gìn đền thờ Hai Bà Trưng.
Từ rất xa xưa, đền thờ Hai Bà Trưng đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người dân vùng Mê Linh, Hà Nội. Trong tâm thức của người Việt, công lao to lớn của Hai Bà Trưng trong cuộc khởi nghĩa, giành độc lập dân tộc, không có lời nào để ca ngợi cho xiết, mà chỉ có lòng kính trọng: “Vua chị, vua em hào kiệt thế gian khó sánh”.
Đền thờ Hai Bà Trưng đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 9-12-2013). Lễ hội Đền Hai Bà Trưng (diễn ra từ ngày mồng 4 đến ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm) được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
*Bài viết có tham khảo từ các tư liệu, bia ký, sách trưng bày của Đền thờ Hai Bà Trưng, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội.
Đặng Hoàng Thám
Ý kiến bạn đọc