Y Phôn với tình yêu Tây Nguyên
Mười lăm năm về trước, khi tôi mới chỉ có một vài tác phẩm nhỏ lẻ thì những bài hát của nhạc sĩ Y Phôn Ksơr đã vang khắp nơi, trên ti vi, trên đài phát thanh, trong quán cà phê và cả trong những cuộc thi.
Ấn tượng trong tôi là hình ảnh một Y Phôn da nâu, mắt sâu thẳm, ôm đàn và hát say sưa: “Tôi muốn quên đi, tháng với ngày…”.
Y Phôn yêu Ea H’leo, yêu Tây Nguyên say đắm. Khi kể về làng, nơi anh sinh ra, Y Phôn kể say sưa lắm. Những con đường đất đỏ dài hun hút qua làng, qua núi tuôn vào tác phẩm của Y Phôn nhẹ như mây trắng bay ngang đỉnh núi mà cũng trĩu nặng ân tình.
Những câu từ trong các sáng tác của Y Phôn rất thơ, phải chăng vì từ khi sinh ra đến khi lớn lên, anh được nuôi dưỡng tâm hồn trong tiếng chiêng, tiếng kèn của người Tây Nguyên khi mẹ là nghệ nhân đing put và cha là nghệ nhân đánh chiêng có tiếng trong vùng. Vì thế mà từ năm lên bảy, Y Phôn đã biết chơi đàn goong. Anh đã theo cha biểu diễn cồng chiêng phục vụ bà con khắp huyện Ea H’leo khi mới 11 tuổi.
Phôn kể rằng anh viết bài hát “Đôi chân trần” rất nhanh: “Tôi muốn quên đi đôi chân trần, cha đi lượm quả ngọt rừng cho con đỡ đói qua đêm...”. Những câu từ cứ như thể tình yêu thương tự nó dâng lên trong lòng và chờ một hôm tuôn ra thành lời. Lúc Phôn viết về cha như hôm ấy, hình ảnh đầu trần, chân đất của cha đang băng rừng lội suối cứ như thước phim thật chậm, trở thành mạch nguồn để đẩy cảm xúc của Y Phôn. Cảm xúc ấy cứ trở lại mỗi khi Phôn ôm đàn say sưa hát: “Ôi ngày tháng, đôi chân trần, run run...”.
Nhạc sĩ Y Phôn Ksơr. |
Y Phôn cũng dành những sự yêu thương ấy cho amí. Dáng lưng hơi khòm của amí mỗi sớm mai lên rẫy, dáng ngồi lúi húi bên bếp lửa mỗi tối ở gian trước của nhà sàn cứ trở đi trở lại trong tâm trí Y Phôn. Lúc anh viết bài hát “Lời ru nữ thần Mặt trời” là lúc những điều ấy hiện hữu rõ nhất: “Hát giữa mọi người không ngại ngần, bài hát nữ thần mặt trời của tôi... mặt trời của tôi”. Hình ảnh của amí trong lời hát của Phôn vừa vĩ đại mà cũng vừa dịu dàng: “Mẹ trồng cây che gió đưa. Mẹ trồng cây che gió mưa. Chim phí bay ngang qua bầu trời. Chim phí vẫn bay về cội nguồn”…
Lần nào gặp Phôn cũng say sưa nói về làng, về mẹ. Những bài viết về chiêng Êđê làm Phôn mất ngủ suốt cả tháng nay. Tình yêu với âm nhạc Tây Nguyên của anh chưa bao giờ thay đổi. Có chăng là thêm sự âu lo về việc lớp trẻ bây giờ chẳng mặn mà với truyền thống. Lớp trẻ say mê học hát nhưng là để kiếm tiền chứ không phải giữ lại vốn quý của cha ông nữa rồi. Cả nỗi trăn trở về việc tiếng chiêng ngày càng thưa vắng trong các dịp hội hè.
Phôn bảo anh chẳng mơ gì cao xa, chỉ mong làm được cái nhà sàn giữa rẫy cà phê. Hôm nào bạn bè đến chơi thì xuống suối bắt cá về nướng; ngồi khoanh chân ở gian nhà khách, uống rượu, nói chuyện cồng chiêng. Rồi ôm đàn hát say sưa.
Thực ra, những điều Y Phôn mơ ước ấy, tôi cũng thèm biết mấy. Bạn bè văn chương gặp được nhau đã quý. Có cơ hội để ôm gối nghe đàn và nghe lòng mình dịu đi giữa những bộn bề của cuộc sống thì lại càng quý biết bao…
Niê Thanh Mai
Ý kiến bạn đọc