Sắc màu Indonesia trên cao nguyên Ban Mê
Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Indonesia (30-12-1955 – 30-12-2020), Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh vừa phối hợp tổ chức Hội thi “Sắc màu văn hóa Việt Nam – Indonesia” năm 2020, với những tiết mục văn nghệ đặc sắc, để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả.
Hội thi có 10 tiết mục tham dự, gồm các thể loại: múa, hát, biểu diễn thời trang do sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk thể hiện. Với tính chất, ý nghĩa quan trọng của hội thi, có sự hiện diện của lãnh đạo tỉnh, vị khách quý là ngài Ibnu Hadi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam nên các sinh viên đã đầu tư, dành thời gian, công sức tìm hiểu, tập luyện kỹ lưỡng để giới thiệu cho khán giả những nét văn hóa truyền thống, đặc trưng nhất của hai đất nước, nhất là nước bạn Indonesia.
Tiết mục trình diễn trang phục truyền thống của Indonesia tại Hội thi. |
Đội dự thi số 3 có tiết mục giới thiệu độc đáo khi trình diễn ca khúc Ayo Mama - một bài hát dân ca vùng Makulu của người Ambonese nổi tiếng thế giới và từng được ca sĩ tên tuổi, mệnh danh là “Đệ nhất danh ca châu Á” Đặng Lệ Quân trình diễn. Với năng khiếu âm nhạc, các thành viên đội dự thi số 3 thể hiện bằng cả 2 ngôn ngữ Indonesia và Việt Nam. Nhịp điệu bài hát vui tươi, rộn ràng kết hợp với múa phụ họa được các ca sĩ, vũ công tương lai trình diễn làm khuấy động cả không gian, gây nhiều bất ngờ, ngạc nhiên và thú vị cho đoàn công tác của Indonesia và được nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdăm, thành viên Ban giám khảo hội thi đánh giá là phần thi xuất sắc.
Khéo léo giới thiệu đất nước bạn qua màn trình diễn các trang phục truyền thống, đội dự thi số 1 đã phần nào giúp khán giả khám phá khía cạnh khác của “đất nước vạn đảo” vốn có nền văn hóa phong phú, đa dạng. Trong đó ấn tượng nhất là bộ trang phục truyền thống kebaya của Indonesia. Không gian sân khấu trình diễn như được trang hoàng rực rỡ bằng các bộ trang phục kebaya với những họa tiết hoa lá, nhiều màu sắc, gây ấn tượng mạnh cho khán giả. Để có tiết mục thành công này, các thành viên trong đội dự thi số 1 đã phải nghiên cứu tư liệu rất kỹ, “huy động” tất cả mối quan hệ để mượn các bộ trang phục, được may theo đúng kiểu truyền thống của Indonesia.
Ngài Ibnu Hadi cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh H'Yim Kđoh trao thưởng cho các đội xuất sắc tại Hội thi. |
Trong khi đó, đội dự thi số 2 đã đem đến hội thi tiết mục hòa tấu cùng với vũ điệu truyền thống poco-poco sôi động nổi tiếng của Indonesia. Các sinh viên, vũ công chuyên nghiệp của Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật tỉnh làm ngây ngất không gian hội thi qua bước nhảy điêu luyện, đầy năng lượng. Quá ấn tượng trước màn trình diễn này, bà Arum Primasty, Bí thư thứ hai phụ trách Văn hóa - Xã hội Đại sứ quán nước Cộng hòa Indonesia đã ngẫu hứng tiến lên khán đài cùng giao lưu qua ca khúc trữ tình, sâu lắng cũng rất nổi tiếng của Indonesia là Bengawan Solo (Dòng sông Solo) để các sinh viên có thêm một góc nhìn, tiếp cận với âm nhạc đất nước Indonesia.
Chăm chú theo dõi tất cả các tiết mục tại hội thi, ngài Ibnu Hadi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam đánh giá rất cao tình cảm mà sinh viên Việt Nam nói chung, sinh viên Đắk Lắk nói riêng dành cho đất nước Indonesia. Điều đó thể hiện cụ thể, sinh động qua sự đón tiếp nồng hậu, chân tình, gần gũi của nhà trường cũng như qua các tiết mục dự thi mà sinh viên đã dày công tìm hiểu, tập luyện để giới thiệu cho khán giả hiểu biết thêm về những nét lịch sử, văn hóa truyền thống của Indonesia ngay trên phố núi Ban Mê. Đó cũng chính là minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống, ngày càng gắn bó giữa nhân dân hai nước. Ngài Ibnu Hadi cũng hy vọng, Hội thi những “Sắc màu văn hóa Việt Nam – Indonesia” sẽ là sự kiện văn hóa được tổ chức thường niên để nhân dân hai nước có nhiều nét tương đồng về văn hóa ngày càng gần gũi, thắt chặt tình thân.
Thảo Nhi
Ý kiến bạn đọc